Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

09:36, 27/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thuộc vùng Dự án 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" đã có nhiều giải pháp phù hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Vừa qua, tại huyện Sơn Hà, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới thông qua “phiên tòa giả định”. Phiên tòa giả định đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ. Phiên tòa đã đưa ra những tình huống trong thực tế cuộc sống hằng ngày để hội viên, phụ nữ và người dân thấy rõ những hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó, nâng cao kiến thức về pháp luật và hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh phù hợp với các quy định của pháp luật, tạo ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cận Sơn, xã Sơn Nham (Sơn Hà) tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho người dân địa phương.
Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Cận Sơn, xã Sơn Nham (Sơn Hà) tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho người dân địa phương.

Ngoài phiên tòa giả định, các cấp hội phụ nữ thuộc vùng Dự án 8 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các buổi tư vấn pháp luật; phát hành tờ rơi tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống buôn bán trẻ em. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ cấp huyện, xã, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng...

Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ đã thành lập và duy trì thực hiện các mô hình, tổ, câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên, phụ nữ và nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điển hình như Tổ truyền thông cộng đồng, Tổ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình; các mô hình “Phụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”... Các tổ truyền thông đã phát huy được hiệu quả trong thực tế và đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án 8, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã hướng dẫn thành lập 171 tổ truyền thông cộng đồng về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, đã tích cực tuyên truyền giúp người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa có hại cho phụ nữ và trẻ em...

Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây) Đinh Thị Hạnh cho biết, các thành viên trong tổ truyền thông thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới, phổ biến pháp luật và tham gia các buổi trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm công tác tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ... Từ đó, các thành viên có kỹ năng để chuyển tải nội dung tuyên truyền, kiến thức về pháp luật đến người dân, hội viên phụ nữ một cách hiệu quả.

Để việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả cao hơn, theo kế hoạch trong thời gian đến, các cấp hội phụ nữ thuộc vùng Dự án 8 sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và sâu rộng các văn bản pháp luật đến nhân dân. Trong đó, chú trọng đổi mới, sáng tạo các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.

Bài, ảnh: KHẢI NAM

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:36, 27/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.