Đấu tranh phòng, chống buôn bán hàng giả

10:06, 01/08/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vì thế, việc trang bị kiến thức phân biệt hàng giả, hàng thật cho cán bộ đảm nhận nhiệm vụ phòng, chống buôn bán hàng giả là yêu cầu cấp thiết.
 
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), hoạt động buôn bán hàng giả hiện đang có chiều hướng gia tăng, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 832 vụ/852 đối tượng vi phạm trong kinh doanh thương mại. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 26 tỷ đồng; khởi tố hình sự 17 vụ/14 đối tượng.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh thực hành nhận diện chất lượng sản phẩm. 
					           Ảnh: T.NHỊ
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh thực hành nhận diện chất lượng sản phẩm. Ảnh: T.NHỊ

Vụ việc nổi cộm nhất về sản xuất hàng giả trong 6 tháng đầu năm 2024 là vụ Công ty TNHH Một thành viên Việt Đức, ở cụm công nghiệp Quán Lát (Mộ Đức), sản xuất phân bón giả bị lực lượng chức năng phát hiện. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này đang chứa hơn 271 tấn phân bón vi lượng giả. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Đức Nguyễn Đức Đề về hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả.

Theo các cơ quan chức năng, hàng hóa bị làm giả nhiều nhất hiện nay là thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn phát hiện hành vi làm giả trong buôn bán mặt hàng vàng. Theo số liệu từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, qua kiểm tra đã phát hiện 27 vụ vi phạm giả nhãn hiệu, nhãn hàng hóa trong kinh doanh vàng.  

Để đấu tranh với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả đang có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi cán bộ của các lực lượng chức năng phải được trang bị đầy đủ kỹ năng, đặc biệt là phân biệt hàng thật, hàng giả. Cuối tháng 7/2024, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ phân biệt hàng thật, hàng giả cho lực lượng chức năng như QLTT, công an...

Tại hội nghị này, đại diện các nhãn hàng nổi tiếng như Unilever, P&G, Hermès, Lacoste, L'oreal, Redbull... đã giới thiệu chi tiết về các kiểu dáng, mẫu mã, đặc điểm sản phẩm thuộc sở hữu của các nhãn hàng; hướng dẫn cụ thể cách nhận diện sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chính hãng. Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội VACIP Phan Minh Nhựt đã hướng dẫn cán bộ dự tập huấn cách tra cứu, tìm kiếm các trang web bán hàng giả và phương pháp phối hợp hiệu quả với cơ quan bảo vệ thương hiệu để xử lý. 

“Hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều này gây không ít khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý, nhất là việc mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Vì vậy, việc tổ chức tập huấn trang bị kỹ năng phân biệt hàng thật, giả cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ là hết sức cần thiết. Qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính”, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Dương Hiền Hùng nhấn mạnh.

THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:06, 01/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.