Chàng trai 9X đam mê tái chế 

15:48, 20/11/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bằng đôi bàn tay khéo léo và niềm đam mê nghệ thuật, anh Trần Quốc Thức (28 tuổi), ở thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), đã tận dụng những phế thải, phụ tùng xe cũ để sáng tạo ra những sản phẩm trang trí nội thất độc đáo, bắt mắt.  
 
Sau khi tốt nghiệp trung cấp ngành cơ khí, anh Thức trở về quê nhà để mở một tiệm sửa chữa xe máy, xe đạp. Trong quá trình làm việc, nhận thấy các loại linh kiện, phụ tùng cũ từ những bộ phận hư hỏng của xe máy, xe đạp đem bán phế liệu giá rất rẻ, thậm chí có những món không bán được, bỏ đi sẽ gây ô nhiễm môi trường, nên anh nảy ra ý tưởng tận dụng chúng để tái chế, tạo ra những sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Anh Thức chia sẻ, ban đầu, tôi lên ý tưởng rồi mày mò, nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm trang trí nội thất độc đáo, bắt mắt như bàn ghế, đồng hồ mô phỏng chuyển động của động cơ, đèn chùm. Việc sáng tạo ra những đồ dùng từ phế thải, phụ tùng xe cũ đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì, nhưng càng dấn thân vào làm, tôi càng say mê.
Anh Trần Quốc Thức, ở thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), đã làm các sản phẩm tái chế từ phế liệu, phụ tùng xe cũ.
Anh Trần Quốc Thức, ở thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), đã làm các sản phẩm tái chế từ phế liệu, phụ tùng xe cũ.

Các bộ phận phụ tùng xe cũ thường được anh Thức sử dụng để tái chế bao gồm nhông sên, dĩa, niềng xe, trục khuỷu, bô xe, bạc đạn kết hợp thêm phụ kiện từ dên, nòng, ốc vít... Anh Thức nghiên cứu, chọn lọc ra những bộ phận phụ tùng cũ sao cho khi gọt giũa, lắp ráp sẽ kết hợp hài hòa với nhau, tạo ra một sản phẩm vừa tiện ích, vừa mang tính thẩm mỹ cao. Theo anh Thức, hầu hết các phụ tùng cũ được tận dụng để tái chế số lượng không nhiều. Do đó, việc chế tạo các vật dụng từ phế liệu đều được sắp đặt, điều chỉnh thủ công bằng cảm quan, chứ không có bố cục tiêu chuẩn nào. Bởi vậy, mỗi sản phẩm là một sự khác biệt, không bao giờ lặp lại, dù cho chủ đề có giống nhau.

“Điều khó nhất để tạo nên những vật dụng từ những phụ tùng xe bỏ đi không hẳn là ý tưởng sáng tạo ra sản phẩm. Bởi hầu hết các sản phẩm mà tôi tạo ra đều vô cùng quen thuộc trong đời sống. Khó nhất là phá cách sao cho sản phẩm mang nét nghệ thuật độc đáo, riêng biệt. Muốn vậy đòi hỏi tôi phải tư duy, biết chọn lọc, kết hợp và canh chỉnh những vật liệu tái chế một cách logic, khoa học”, anh Thức cho hay.  

Để tạo ra một sản phẩm độc đáo, bắt mắt, anh Thức phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Với những sản phẩm nhiều chi tiết nhỏ, phức tạp thì thời gian thực hiện kéo dài hàng tháng trời. Nhờ đặt trọn tâm huyết vào việc tái chế, nên những sản phẩm do anh Thức làm ra được nhiều người thích thú, ngỏ ý đặt mua. Hiện tại, anh Thức đang triển khai kế hoạch khởi nghiệp với mô hình đồ trang trí nội thất tái chế. Đây cũng là cách giúp chàng trai 9X này theo đuổi đam mê sáng tạo nghệ thuật và lan tỏa tình yêu môi trường đến với cộng đồng.

Bài, ảnh: HẢI CHÂU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:48, 20/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.