Xây dựng thương hiệu cho nông sản miền núi

10:49, 07/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh có nhiều loại nông sản đặc trưng, được thị trường ưa chuộng. Tận dụng lợi thế này, nhiều hợp tác xã trên địa bàn đã liên kết với các hội viên nông dân phát triển trồng trọt, chăn nuôi gắn với chế biến sâu, để tiêu thụ bền vững nông sản.

Chuối hột rừng mọc nhiều ở vùng núi cao của thôn Làng Rào và Tà Bi, xã cao Sơn Thủy (Sơn Hà). Tận dụng tiềm năng sẵn có về loại cây bản địa này, hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy đã liên kết với các hộ nông dân khoanh vùng bảo vệ và mở rộng thêm diện tích chuối hột rừng. Năm 2022, sau khi chủ động được nguồn nguyên liệu, HTX đầu tư máy móc, sản xuất sản phẩm chuối hột rừng sấy khô. Năm 2023, sản phẩm chuối hột rừng sấy khô của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.

Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Thủy Đinh Văn Trun, bình quân mỗi năm, HTX thu mua khoảng 2 tấn chuối hột rừng tươi từ các hộ nông dân thôn Làng Rào và Tà Bi. Từ 2 tấn chuối tươi này, HTX sản xuất ra được khoảng 4 tạ chuối khô và bán ra thị trường với giá bình quân từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.

Chè xanh của HTX Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến, xã Long Hiệp (Minh Long) được sấy khô theo quy trình hiện đại.                 				Ảnh: MAI LỰC
Chè xanh của HTX Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến, xã Long Hiệp (Minh Long) được sấy khô theo quy trình hiện đại. Ảnh: MAI LỰC

“Nhờ sấy khô nên sản phẩm có thể bảo quản được lâu và dễ dàng bán khắp trong và ngoài tỉnh. Còn trước đây, sản phẩm chuối tươi rất nhanh hỏng, chỉ tiêu thụ trong xã, trong huyện, khó bán ra với sản lượng lớn”, ông Trun chia sẻ.

Tại huyện miền núi Minh Long, để hương chè Minh Long bay xa, HTX Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến, ở xã Long Hiệp (Minh Long) vừa mở rộng vùng nguyên liệu trồng chè, vừa phát triển thêm dòng sản phẩm lá chè xanh sấy khô và bột chè xanh nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

“Nếu chỉ bán sản phẩm chè bẻ cành, thì chỉ tiêu thụ được trong tỉnh. Vì chỉ đôi ba ngày, lá chè héo, úa. Vì vậy, HTX đã liên kết với một xưởng sản xuất khác để chế biến sản phẩm lá chè xanh sấy khô và bột chè xanh. Từ khi chế biến sâu với sản phẩm đa dạng, HTX có thêm nhiều khách hàng ở ngoài tỉnh. Những người ở xa, nhưng trót yêu quý vị của chè xanh Minh Long, thường đặt mua lá chè sấy khô và bột chè xanh để dùng”, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông - Lâm nghiệp Thành Tiến Đinh Văn Khó chia sẻ.

Ngoài chè xanh Minh Long và chuối hột rừng Sơn Hà, 5 huyện miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều nông sản đặc trưng, mọc tự nhiên hoặc được người dân trồng theo tiêu chuẩn sạch, như: Măng rừng ở huyện Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ; khổ qua rừng ở huyện Sơn Hà, Sơn Tây; ổi, bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Sơn Liên, Sơn Bua (Sơn Tây). Đây là dư địa để người dân cũng như các tổ hợp tác, HTX tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm theo hướng chế biến sâu. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm và thu nhập ngày càng bền vững, ổn định.

Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 10:49, 07/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.