(Báo Quảng Ngãi)- Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều phụ nữ trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách để theo đuổi đam mê khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Vượt qua thất bại
“Dám nghĩ, dám làm, kiên trì, không ngại khó khăn”, đó là chia sẻ của chị Đỗ Thị Trà My (38 tuổi), ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức) khi nói về hành trình khởi nghiệp của mình. Là người yêu thiên nhiên và đam mê lối sống xanh, chị My đã từ bỏ công việc kế toán tại TP.Hồ Chí Minh để về quê bắt tay vào sáng chế các sản phẩm chăm sóc tóc từ thảo mộc. Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp, chị My cho biết, sau sinh con, tôi bị rụng tóc rất nhiều. Để khôi phục lại mái tóc chắc khỏe trước đây, tôi đã tìm hiểu và biết được một số loại cây cỏ, dược liệu có thể khắc phục tình trạng tóc hư tổn như cách mà các bà ngày xưa vẫn dùng. Tôi đã tận dụng cây cỏ, dược liệu sẵn có ở quê nhà để chế tạo ra các sản phẩm chăm sóc tóc an toàn.
![]() |
Chị Đỗ Thị Trà My (bên trái), ở thôn Minh Tân Nam, xã Đức Minh (Mộ Đức) giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ảnh: M.DUYÊN |
Mặc dù đã nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ những người có kiến thức chuyên môn, nhưng thời gian đầu chế tạo sản phẩm, chị My gặp nhiều khó khăn. Những mẻ dầu gội, dầu xả tóc đầu tiên làm ra không như mong đợi, chị My phải đổ bỏ rất nhiều lần. Dẫu vậy, chị vẫn không nản lòng, mà miệt mài nghiên cứu, đúc kết công thức làm ra các sản phẩm. Sự ra đời của các sản phẩm chăm sóc tóc không chỉ giúp chị My thỏa đam mê sáng chế, cải thiện triệu chứng rụng tóc, mà còn tiếp sức cho chị mạnh dạn phát triển con đường khởi nghiệp của riêng mình. “Lúc mới về quê khởi nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ một người tay ngang rẽ hướng sang khởi nghiệp với sản phẩm chăm sóc tóc, khi mới đi vào sản xuất, sản phẩm làm ra liên tục không đạt yêu cầu. Những lúc thất bại như vậy, tôi không cho phép mình từ bỏ mà luôn động viên phải cố gắng. Nhờ sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi đam mê, tôi đã sản xuất thành công các sản phẩm chăm sóc tóc từ thảo dược thiên nhiên”, chị My chia sẻ.
Để sản phẩm truyền thống của mình có thể cạnh tranh được với các mặt hàng công nghiệp, có thương hiệu, chị My cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường. Bên cạnh chú trọng chất lượng sản phẩm, chị My ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sau hơn 1 năm gầy dựng sự nghiệp, thương hiệu dầu gội, dầu xả thảo mộc thiên nhiên “Nét xưa” của chị My đã tiếp cận được nhiều khách hàng trong cả nước.
Hiện nay, ngoài bán lẻ, chị My còn kết nối tiêu thụ các sản phẩm chăm sóc tóc với nhiều đại lý, người kinh doanh trực tuyến. Thời gian tới, chị My dự định tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và chế tạo thêm các mặt hàng nước lau sàn, nước rửa chén thảo mộc. "Khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống chưa bao giờ dễ dàng. Bởi vậy, tôi không tự mãn với thành công ban đầu, mà tiếp tục nỗ lực theo đuổi đam mê. Thương hiệu dầu gội, dầu xả thảo mộc thiên nhiên “Nét xưa” được khách hàng tin dùng là động lực để tôi nỗ lực trên bước đường khởi nghiệp", chị My cho hay.
Gặt hái quả ngọt
Từng là hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bằng ý chí vươn lên và dám sống với đam mê, chị Đặng Thị Thiệt (38 tuổi), ở thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) đã khởi nghiệp thành công với cơ sở làm bánh truyền thống. "Tôi yêu thích nấu ăn từ nhỏ. Năm 18 tuổi tôi đã xin gia đình đi học nghề làm bánh và làm ở một xưởng bánh truyền thống trên đường Nguyễn Du (TP.Quảng Ngãi). Tôi gắn bó với cơ sở làm bánh đậu xanh, phục linh khoảng 10 năm, đến năm 2018, chủ cơ sở lớn tuổi không đủ sức duy trì hoạt động nên đành đóng cửa cơ sở. Dù không phải là người thân trong nhà nhưng chủ cơ sở biết tôi đam mê, yêu thích công việc này nên đã để lại thương hiệu, bí quyết làm bánh cho tôi. Không muốn phụ lòng của bà, nên dù kinh tế của gia đình lúc đó còn khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng xoay xở để mở xưởng làm các loại bánh truyền thống mang tên Quốc Quỳnh”, chị Thiệt chia sẻ.
![]() |
Chị Đặng Thị Thiệt, ở thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) sử dụng máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất bánh đậu xanh. Ảnh: HIỀN THU |
Năm 2019, chị Thiệt mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thông qua Hội LHPN xã để đầu tư mở xưởng, mua máy móc, dụng cụ làm bánh. Dù đã có kinh nghiệm, biết công thức làm bánh, nhưng những ngày đầu khởi nghiệp, làm chủ cơ sở, chị Thiệt gặp nhiều khó khăn, thử thách. “Không chỉ khó khăn về vốn, mà khi mở cơ sở, tôi phải chủ động, chịu trách nhiệm trong tất cả các công đoạn từ chào mời đại lý, khách hàng cho đến việc sản xuất đảm bảo chất lượng. Một số công việc khá mới mẻ nhưng tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi từng ngày. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tôi đi từng bước chứ không nóng vội. Ban đầu chủ yếu 2 vợ chồng tôi tự làm, về sau có nhiều khách hàng, sản xuất ổn định, tôi mới tuyển thêm thợ. Đến năm 2021, khi doanh số ngày càng cao, tôi mạnh dạn mở rộng cơ sở, tiếp tục vay thêm nguồn vốn hỗ trợ của Hội LHPN thành phố để đầu tư, mua các loại máy móc hiện đại thay thế cho một số công đoạn thủ công”, chị Thiệt bộc bạch.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của chị Thiệt có nhiều máy móc hiện đại như máy xay, nghiền bột, in bánh, nướng bánh... giúp tiết kiệm thời gian sản xuất và nhân công. Gắn bó với nghề làm bánh đậu xanh và bánh phục linh đã nhiều năm nên chị Thiệt nắm vững các công đoạn sản xuất và những bí quyết để các sản phẩm của cơ sở đảm bảo chất lượng, thơm ngon. Năm 2023, sản phẩm bánh đậu xanh và bánh phục linh của cơ sở Quốc Quỳnh đạt OCOP 3 sao và ngày càng được tiêu thụ rộng rãi.
TIẾP SỨC CHO PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na nhận định, với tinh thần đam mê khởi nghiệp, ngày càng có nhiều hội viên, phụ nữ trong tỉnh bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, có nhiều ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh triển vọng, vừa phát triển kinh tế vừa mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng. Hội LHPN các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ hội viên, phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp như hỗ trợ về vốn, kiến thức, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tham quan học tập mô hình, hướng dẫn đăng ký thương hiệu, mẫu mã sản phẩm để tiếp sức cho phụ nữ trên hành trình theo đuổi ước mơ khởi nghiệp. |
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, chị Thiệt liên kết, tiêu thụ đậu xanh của 6 hộ dân. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất của chị tiêu thụ hơn 400kg đậu xanh và 300kg bột bình tinh. Không chỉ bán trong tỉnh mà cơ sở sản xuất của chị Thiệt còn bán ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Đà Nẵng, Huế, TP.Hồ Chí Minh... Chủ tịch Hội LHPN xã Tịnh Ấn Đông Bạch Thị Cẩm Lệ cho biết, chị Thiệt là hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu ở xã. Cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 5 lao động nữ tại địa phương và bản thân chị cũng là người tích cực tham gia các hoạt động phong trào, công tác hội, góp phần truyền cảm hứng về ý chí vươn lên, dám sống với đam mê của mình.
MỸ DUYÊN - HIỀN THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: