(Báo Quảng Ngãi)- Bình minh ló dạng khiến nền trời như được dát lớp vàng óng ánh, tuyệt đẹp. Tàu cá hối hả nối đuôi nhau về bến. Cửa biển Mỹ Á như đôi tay của người mẹ hiền dang rộng đón đàn con trở về sau đêm dài lênh đênh trên sóng nước mưu sinh.
Cửa biển Mỹ Á, phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) giờ đã được thông thoáng cho tàu ra, vào thuận lợi. Bến cá rộng dài cho thuyền neo đậu, người người râm ran nói cười mỗi khi tàu cập bến. Cửa biển Mỹ Á giờ đã sang trang...
Từ bao đời nay, ngư dân ở Phổ Quang bám biển mưu sinh trên những chiếc thuyền nan, hay tàu cá vỏ gỗ. Trước đây, cửa biển thường bị bồi lấp, nhất là vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán. Tàu thuyền bị ngăn cách giữa biển và bờ. Tàu cá đến nơi khác neo trú và bán hải sản chứ không thể trở về bởi tình trạng cửa biển bị bồi lấp. Những chiếc tàu còn lại trong bến đành nằm bờ, ngư dân thở dài nghe đến não lòng. "Hồi đó tàu cá ra, vô khó lắm. Nhiều lúc trời yên biển lặng, vào mùa đánh bắt chính nhưng cửa biển bị bồi lấp, tàu đành phải nằm bờ...", lão ngư Võ Xuân Cẩm - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang cho biết.
Cảng cá Mỹ Á, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá vào neo đậu và bán hải sản. |
Sau Tết, cửa biển Mỹ Á bị bít lấp chặn hẳn đường ra khơi. Ngư dân cùng nhau mang cuốc, xẻng, quang gánh... tụ họp nơi cửa biển, hối hả làm việc để khơi thông cửa biển. Rồi cũng đến lúc dòng nước sông Thoa từ muôn khe suối tụ về tràn qua bờ cát chắn ngang, hòa vào biển rộng. Mọi người thở phào như trút được gánh nặng dồn nén bấy lâu. "Tàu ra, vô mươi bữa nửa tháng thì cửa biển lại bị bồi lấp chứ đâu thông suốt quanh năm. Vậy nên, nhiều tàu cá mắc cạn, rồi bị sóng đánh chìm, hay xô vào bờ đá vỡ tan tành...", lão ngư Nguyễn Xết - Vạn trưởng vạn chài Hải Tân, phường Phổ Quang nhớ lại.
Nhiều tàu cá bị nạn khi ra, vào bến nên ngư dân thường gọi Mỹ Á là "cửa biển tử thần". Tôi đã nhiều lần chứng kiến tàu cá của ngư dân bị nạn do tình trạng cửa biển bị bồi lấp và thấu hiểu nỗi vất vả của ngư dân ở làng chài nơi đây.
Năm 2011, tỉnh xây dựng hoàn thành công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á giai đoạn 1, với tổng kinh phí đầu tư hơn 104 tỷ đồng. Sau đó, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành công trình giai đoạn 2, với tổng kinh phí gần 155 tỷ đồng. "Cửa biển giờ đã thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu ra, vào bến thuận lợi nên ngư dân rất phấn khởi. Nhiều tàu cá công suất lớn đánh bắt trên các vùng biển xa cũng trở về đây bán hải sản, neo trú chứ không còn phải neo đậu phương xa như trước đây", lão ngư Nguyễn Thành Lin, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ), tâm sự.
|
Sau khi thu mẻ lưới cuối cùng, lão ngư Võ Xuân Cẩm điều khiển tàu cá QNg-48957TS quay mũi hướng vào bờ. Tiếng máy nổ giòn, con tàu với công suất trên 100CV băng băng lao về phía trước. Trong đêm tối, ngư dân rì rầm chuyện trò lẫn trong tiếng máy và sóng biển vỗ vào thân tàu. Bình minh ló dạng khiến nền trời như được dát lớp vàng óng ánh, tuyệt đẹp. Tàu cá hối hả nối đuôi nhau về bến. Cửa biển Mỹ Á như đôi tay của người mẹ hiền dang rộng đón đàn con trở về sau đêm dài lênh đênh trên sóng nước mưu sinh.
Bến cá Mỹ Á nhộn nhịp cảnh mua, bán hải sản buổi sớm mai. |
Trên bến dưới thuyền rộn ràng tiếng nói cười, mua, bán hải sản. Những rổ cá vừa vớt lên từ biển được đôi tay săn chắc chuyển vội lên bờ. Ô tô tải, xe máy nối đuôi nhau vào vận chuyển hải sản. "Chúng tôi mua cá ở đây rồi chuyển đến bán ở nhiều nơi. Cá ở đây tươi ngon nên nhiều người mua rồi ướp lạnh gửi cho người thân ở phương xa. Từ ngày Nhà nước đầu tư xây dựng cảng cá, tàu thuyền về bến nhiều hơn, nên lượng cá tôm cũng nhiều hơn trước. Chị em chúng tôi mua bán cũng kiếm được đồng ra đồng vào lo cho con cái ăn học...", một tiểu thương tâm sự.
Sáng tỏ mặt người, tàu thuyền tấp nập về bến. Tiếng máy nổ hòa cùng âm thanh rộn rã nói cười sôi động bên làng chài Hải Tân. Dòng nước sông Thoa lững lờ trôi, rồi hòa vào đại dương mênh mông qua cửa biển Mỹ Á. Con đê cao sừng sững ngăn cách dòng sông với bến cá giúp ngư dân yên lòng neo trú tàu thuyền khi đến mùa mưa bão. Chủ tàu và bạn chài tranh thủ bán hải sản sau chuyến ra khơi. Sau đó, họ sắp xếp ngư cụ gọn gàng trên boong tàu, chia nhau mớ cá, mực để dành mang về làm thức ăn cho gia đình và biếu người thân. Các ngư dân rời tàu về nhà nghỉ ngơi dưỡng sức cho chuyến biển kế tiếp. "Cảng cá được đầu tư xây dựng giúp ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt. Tàu của chúng tôi đánh bắt gần bờ, thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Nhiều tàu công suất lớn, đi biển xa làm ăn khấm khá, các tàu đều về cập bến ở Mỹ Á", ngư dân Nguyễn Thành Phim, chia sẻ.
Tàu cá neo đậu tại cảng cá Mỹ Á sau chuyến ra khơi. |
Cửa biển Mỹ Á thông thoáng khiến làng chài trở nên sôi động. Nhiều người phụ nữ cặm cụi phân loại hải sản rồi khiêng chất lên xe tải cả ngày lẫn đêm. Nhiều người luôn tay vá lưới, gắn phao, kẹp chì... để kịp giao cho chủ tàu xuất bến ra khơi. Có thêm việc làm, thêm nguồn thu nhập nên người dân rất phấn khởi. "Cửa biển Mỹ Á được nạo vét thông thoáng, tàu cá ra, vào dễ dàng hơn trước. Nhờ vậy, nhiều tàu cá công suất lớn trở về đây để bán hải sản. Qua đó, giúp dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương...", Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Quang Huỳnh Xuân Bình cho biết.
Mỹ Á giờ không còn là "cửa biển tử thần" như trước. Tàu cá nhộn nhịp vào ra đem ấm no về cho làng chài. Những ngư dân can trường hiên ngang tiến ra biển rộng miệt mài mưu sinh.
Bài, ảnh: TRANG THY
TIN. BÀI LIÊN QUAN: