(Báo Quảng Ngãi)- Sản phẩm OCOP ngày càng "được lòng" người tiêu dùng không chỉ vì chất lượng vượt trội, mà còn là “sứ giả” góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị đặc trưng của vùng, miền đến với cộng đồng, thị trường qua những câu chuyện riêng về văn hóa, truyền thống.
Lan tỏa hương vị truyền thống
Từ đầu tháng Chạp, cơ sở sản xuất bánh mè Cô Mận, ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) liên tục đỏ lửa, nhưng vẫn không đủ hàng cung ứng cho thị trường. Chủ cửa hàng tạp hóa Nguyễn Thị Phụng, ở thị trấn Mộ Đức cho biết, bánh mè mặn Cô Mận được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là con em Mộ Đức làm ăn xa quê. Bởi, bánh mè Cô Mận được chế biến theo phương thức truyền thống, giữ được hương vị đặc trưng nên sản phẩm tạo được sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Chính vì vậy, cơ sở sản xuất bánh mè Cô Mận hoạt động quanh năm, sản lượng tiêu thụ ổn định. Riêng những dịp lễ, Tết, nhu cầu tiêu thụ bánh mè tăng mạnh. “Nhiều đơn vị phân phối sản phẩm OCOP đặt sản lượng lớn, nhưng tôi cũng chỉ nhận cầm chừng. Bởi, cận Tết và sau Tết, đơn hàng lẻ quá nhiều, nên tranh thủ thời tiết thuận lợi là tôi nổi lửa, để góp phần lan tỏa hương vị Tết đến mọi nhà, mọi người”, chủ cơ sở sản xuất bánh mè Cô Mận Lê Thị Mận cho biết. Trong khi đó, cơ sở sản xuất bánh tét, bánh chưng Myton, ở thị trấn Tịnh Hà (Sơn Tịnh) những ngày này luôn dậy mùi thơm của nếp, đậu xanh. Chị Tôn Thị Quỳnh My cho biết, được xem là hương vị của Tết, nên khi được công nhận sản phẩm OCOP, bánh chưng Myton được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư phát triển quy mô sản xuất, thời gian đến tôi sẽ tổ chức các hoạt động trải nghiệm cách làm bánh chưng, bánh tét cho các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, góp phần gìn giữ truyền thống và lan tỏa ẩm thực quê nhà.
Chị Tôn Thị Quỳnh My, ở thị trấn Tịnh Hà (Sơn Tịnh), hướng dẫn cách làm bánh chưng, bánh tét cho thanh thiếu niên. |
Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các chủ thể đã giúp hơn 240 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Nhiều sản phẩm vừa mang đậm hương vị quê hương, vừa sáng tạo về mẫu mã, quy cách đóng gói, góp phần gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán. Bà Bùi Thị Minh Hòa, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức) cho biết, mỗi địa phương, vùng miền đều có những sản phẩm mang đặc trưng, chứa đựng nét văn hóa riêng biệt. Vì vậy, từ khi có sản phẩm OCOP, tôi ưu tiên sử dụng phần vì tin tưởng vào chất lượng, phần muốn góp sức quảng bá văn hóa vùng miền tới cộng đồng, người tiêu dùng trên thị trường qua từng sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần gìn nghề truyền thống, lan tỏa những giá trị truyền thống, văn hóa của quê hương.
Hành trình gìn giữ và nâng tầm
Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy định bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, các sản phẩm được phân hạng sao OCOP phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Điều đó buộc các chủ thể OCOP tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phù hợp với quy định thực tiễn.
Cơ sở sản xuất bánh mè Cô Mận, ở thôn Phú An, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) làm ra sản phẩm không đủ cung ứng cho thị trường. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Ngô Văn Thanh cho biết, chất lượng và câu chuyện sản phẩm đã giúp nhiều sản phẩm OCOP chinh phục người tiêu dùng và ngày càng khẳng định trên thị trường. Vì vậy, nhiều chủ thể OCOP chú trọng đầu tư cải tiến mẫu mã, chủng loại và đa dạng sản phẩm, chuyển từ mặt hàng tươi sống sang chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng trong cuộc sống thường nhật, nên tiềm ẩn nguy cơ bị nhái, giả mạo hoặc đánh tráo thương hiệu. Để bảo vệ chủ thể cũng như người tiêu dùng, chính quyền địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng logo, thời hạn sao OCOP để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm.
Giám sát việc sử dụng logo và sao OCOP Từ ngày 14/12/2024 đến 21/1/2025, có 18 sản phẩm của 14 chủ thể trên địa bàn huyện Bình Sơn, Sơn Hà, Mộ Đức và TX.Đức Phổ, TP.Quảng Ngãi hết hạn giấy chứng nhận OCOP. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thông báo, hướng dẫn các chủ thể đăng ký và hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm theo kế hoạch và chu trình OCOP. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP, sao OCOP) để in, dán trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm. Với những chủ thể không thực hiện đánh giá lại, thì không được sử dụng giấy chứng nhận sản phẩm OCOP và nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP. |
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, một trong những thành công của chương trình OCOP là đã tạo được sinh kế cho người dân, nhất là những vùng sâu, vùng xa, đồng thời, giúp bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng, đặc sắc của từng địa phương. Do đó, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan định hướng phát triển các sản phẩm OCOP là hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, ưu tiên sản phẩm chế biến sâu. Đồng thời, khuyến cáo chủ thể ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường để nâng cao giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao và tính đa dạng của thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT cũng hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo tính minh bạch và uy tín đối với người tiêu dùng.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: