(Báo Quảng Ngãi)- Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Hà đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang
Xã Sơn Bao (Sơn Hà) có 6 thôn, với 1.147 hộ dân, 4.635 nhân khẩu. Toàn xã có 285 hộ nghèo (chiếm 15,26%), có 136 hộ cận nghèo (chiếm 8,37%). Những năm gần đây, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, xã đã tập trung xây dựng các công trình thiết yếu trên địa bàn. Già làng Đinh Văn Nhung, ở thôn Mang Nà, xã Sơn Bao chia sẻ, trước đây, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, đường lầy lội, trẻ con đến trường thường bị ngã lấm quần áo, sách vở. Giờ thì đường bê tông rộng rãi, người dân khai thác keo, mì, vận chuyển rất thuận lợi, trẻ con đi xe đạp đến trường... Các công trình phục vụ đời sống dân sinh phát huy hiệu quả, người dân ai cũng phấn khởi.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà) được đầu tư xây dựng 6 phòng học mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. |
Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Giáp Hùng Vương cho biết, trong năm 2024, từ nguồn vốn được phân bổ, xã đã đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng bê tông tuyến đường giao thông xóm Mang Ka La, thôn Mang Nà và đường giao thông nông thôn Mang Nà - Nước Bao (nối tiếp), với tổng chiều dài tuyến khoảng 800m. Ngoài ra, xã còn đầu tư 552 triệu đồng để xây dựng 1 phòng học tại điểm trường Tiểu học &THCS Pa Rang, tạo điều kiện cho học sinh ở thôn Làng Mùng có điều kiện học tập tốt hơn.
Thực hiện Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, năm 2024, huyện Sơn Hà đã phân khai trên 66 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 41 công trình cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình giao thông, giáo dục, thiết chế văn hóa. Trong đó, lĩnh vực giao thông có 22 công trình được thi công kết nối với các thôn, xã trên địa bàn, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân địa phương. |
Năm học 2024 - 2025, thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà) dạy và học trong những phòng học khang trang. Trước đây, điểm trường chính không đảm bảo về phòng học nên học sinh phải học ở nhiều điểm trường lẻ tại các thôn. Năm 2023, trường được quan tâm đầu tư xây mới 6 phòng học và nâng cấp, sửa chữa lại 6 phòng học, nhà công vụ, công trình phụ. Nhờ vậy, năm học 2024 - 2025, toàn bộ học sinh của trường được học tập trung tại điểm trường chính. Hiện toàn trường có 380 học sinh, trong đó có 224 em học bán trú. Theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba Huỳnh Cho, việc đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa lại cơ sở vật chất trường học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
Anh Đinh Văn Sang (giữa), ở tổ dân phố Nước Bung, thị trấn Di Lăng được hỗ trợ xây dựng nhà mới từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện Sơn Hà cũng đã bố trí nguồn kinh phí để xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tổ chức các cuộc hội họp, sinh hoạt văn hóa của người dân trong vùng. “Nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng tường rào, cổng ngõ khang trang, sạch đẹp. Người dân rất phấn khởi", ông Đinh Văn Hổ, ở tổ dân phố Nước Nia, thị trấn Di Lăng chia sẻ.
Tạo đòn bẩy để phát triển
Huyện Sơn Hà có gần 83% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, huyện Sơn Hà đã tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và các nguồn vốn khác để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở cho 438 hộ, 69 hộ chuyển đổi nghề, 1.501 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 12 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 2.000 hộ dân được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, huyện Sơn Hà đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và sửa chữa trên 80 công trình gồm: Đường giao thông nông thôn, kênh mương, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung, trường học, đường điện, cầu treo; sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường có học sinh bán trú,… Đến nay, các công trình đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi ở huyện Sơn Hà.
Đường giao thông nông thôn ở xã Sơn Bao (Sơn Hà) được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Trần Thanh Trung cho biết, các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định của Nhà nước. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của huyện giảm từ 4 - 4,5% (năm 2024 dự kiến giảm 5,63%). Mới đây, xã Sơn Linh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. “Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nguồn lực quan trọng giúp huyện Sơn Hà phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện Sơn Hà tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, phấn đấu giải ngân theo đúng kế hoạch đề ra”, ông Trần Thanh Trung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: