Sản xuất bánh kẹo tại Nhà máy Bánh kẹo Biscafun (Công ty CP Đường Quảng Ngãi). Ảnh: ĐVCC |
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thị trường Halal không chỉ mang đến các cơ hội mở rộng thị trường, mà còn khẳng định vai trò trong việc cung ứng sản phẩm ra thế giới. Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Halal, ngày 14/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đề án đặt ra các định hướng lớn, chiến lược góp phần xây dựng và phát triển ngành Halal tại Việt Nam một cách hiệu quả, chuyên nghiệp. Tháng 4/2024, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia được thành lập, là cơ sở quan trọng góp phần đưa sản phẩm Halal Việt Nam đến với thị trường Halal thế giới.
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc về “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững”. Tham gia hội nghị, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã trưng bày, giới thiệu gần 100 sản phẩm đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal.
Chuyên viên phòng KCS (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) Tôn Ngọc Hà cho biết, để sản phẩm được chứng nhận Halal, điều kiện bắt buộc từ nhà xưởng, thiết bị tham gia sản xuất, nguyên vật liệu, hóa chất... đưa vào sử dụng phải đáp ứng các tiêu chí của Halal. Trong những năm qua, bên cạnh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO 9001, ISO 22000, FSSC 22000, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã chủ động xây dựng, áp dụng, đánh giá chứng nhận Halal cho các sản phẩm của công ty nhằm mở rộng, đáp ứng thị trường người Hồi giáo.
Hiện nay, công ty đã được cấp chứng nhận Halal cho các sản phẩm của Nhà máy Bánh kẹo Biscafun, Nhà máy Đường An Khê, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) và Nhà máy Nha. Trước năm 2018, các sản phẩm của Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích cũng đã được cấp chứng nhận Halal, xuất khẩu qua thị trường Trung Đông.
Sản phẩm sữa đậu nành Fami của Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) được công nhận đạt chuẩn Halal. Ảnh: H.THẢO |
Theo đánh giá của Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Halal là thị trường tiềm năng vì dân số Hồi giáo đông, khoảng 1,8 tỷ người, chiếm ¼ dân số thế giới, phân bố khắp các châu lục. Vì vậy, sản phẩm, thực phẩm Halal không chỉ xuất khẩu đến các nước có người Hồi giáo, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người Hồi giáo đi du lịch các nước, trong đó có Việt Nam. Ngoài các sản phẩm, thực phẩm Halal tiêu dùng trực tiếp, sản phẩm đạt chứng nhận Halal còn tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản xuất sản phẩm Halal trên thế giới.
Đơn cử là các sản phẩm đạt chứng nhận Halal của Công ty CP Đường Quảng Ngãi như đường, nha... có thể sử dụng để sản xuất các sản phẩm công nghiệp khác, phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của người Hồi giáo. Điều này cho thấy, Công ty CP Đường Quảng Ngãi luôn sẵn sàng và chủ động cung ứng tham gia thị trường Halal. Qua đó, thể hiện tính chuyên nghiệp và khát vọng đưa sản phẩm “made in Quảng Ngãi” đến gần hơn với thế giới.
Hiện nay, không chỉ người Hồi giáo mà nhiều người tiêu dùng khác cũng lựa chọn các sản phẩm Halal vì sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
H.THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: