Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn được xếp hạng “Triển vọng ổn định”

08:51, 08/10/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Tổ chức Fitch Ratings vừa công bố báo cáo đánh giá xếp hạng tín nhiệm mặc định dài hạn (IDR) năm thứ 2 của Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã chứng khoán: BSR) ở mức “BB+” với “Triển vọng ổn định”.

Theo Fitch Ratings (một trong ba tổ chức xếp hạng lớn nhất thế giới), BSR đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh năng lượng quốc gia tại Việt Nam. BSR có khả năng cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam. Cùng với Nhà máy Lọc hóa Nghi Sơn, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD) do BSR quản lý đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam, giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu.

Fitch Ratings đánh giá BSR là một trong những doanh nghiệp chủ chốt thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Fitch Ratings cũng dựa trên tiêu chí xếp hạng mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con (PSL), cụ thể là mối quan hệ giữa BSR và Petrovietnam để xếp hạng tín nhiệm mặc định dài hạn cho BSR ở mức “BB+” với “Triển vọng ổn định”. Điều này phản ánh vai trò chiến lược và sự hỗ trợ quan trọng từ Petrovietnam cho BSR trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như chiến lược phát triển bền vững của BSR.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là NMLD đầu tiên của đất nước, có vai trò quan trọng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước - BSR mang trong mình khát vọng tiên phong với nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, NMLD Dung Quất luôn vận hành an toàn, ổn định, cung cấp cho thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm các loại; tổng doanh thu đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước gần 224 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 9 tỷ USD) gấp 3 lần tổng mức đầu tư.

Năm 2023, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. NMLD Dung Quất đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên như góp phần phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng; liên kết ngành, vùng, hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ; logistics, vận tải hàng hóa và kinh tế biển; phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ gắn với các sản phẩm lọc hóa dầu, năng lượng; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài...

PV

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:51, 08/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.