(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung ưu tiên cho vay sản xuất, đặc biệt là đối với doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều lao động. Từ nguồn vốn vay, các DN mua sắm thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Theo thống kê từ các ngân hàng thương mại, trong 8 tháng qua, đã có khoảng 10 nghìn tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân cho hơn 400 DN vay để đầu tư sản xuất, trong đó chủ yếu là mua sắm máy móc, thiết bị mới để cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Giám đốc Công ty CP may Vinatex Đức Phổ, ở Cụm công nghiệp Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) Huỳnh Văn Thiện cho biết, tận dụng cơ chế cho vay khá thông thoáng, với nhiều ưu đãi, công ty đã vay được một khoản tiền lớn để đầu tư mua sắm dàn máy may tự động và máy cắt hiện đại. Nhờ dàn máy hiện đại này mà công ty đã tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng lớn của đối tác. “Đơn hàng ký kết của công ty hiện nay chủ yếu gia công sản phẩm áo ấm, bộ quần áo thể thao xuất khẩu đi Mỹ. Trước đây, khi chưa đầu tư máy tự động, công ty không thể nhận đơn hàng số lượng lớn, thời gian gấp, chất lượng cao như vậy”, ông Thiện nói.
Công ty CP May Vinatex Đức Phổ vừa đầu tư mua sắm máy may hiện đại. |
Quan trọng hơn, khi năng suất lao động tăng thì thu nhập của người lao động cũng tăng theo. Từ đó, tạo động lực kép thu hút lao động, mở rộng quy mô sản xuất. Theo ông Huỳnh Văn Thiện, khi đầu tư máy móc hiện đại, công nhân ít phải tăng ca, nhưng thu nhập lại tăng hơn từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng so với khi chưa có máy móc tự động. Hiện nay, nhà máy đang có khoảng 500 lao động làm việc, với mức thu nhập bình quân 8 - 11 triệu đồng/người/tháng. Riêng bộ phận vận hành máy tự động, bộ phận thiết kế, đồ họa thì thu nhập khoảng 16 triệu đồng/người/tháng.
“Kế hoạch đầu tư mua sắm thiết bị hiện đại của công ty đã có từ lâu, nhưng những năm trước, do lãi suất cao, việc tiếp cận chưa thuận lợi nên công ty chưa thể thực hiện được. Năm nay, điều kiện vay được nới lỏng, lãi suất phù hợp nên công ty đã mạnh dạn đầu tư. Nếu các DN thực sự có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất thì năm 2024 triển khai là hợp lý nhất”, ông Thiện chia sẻ.
Theo Giám đốc Nhà máy May Vinatex Dung Quất Nguyễn Văn Hiệp (KKT Dung Quất), đơn vị mới tiếp cận được dòng vốn với lãi suất thấp, đầu tư mua 20 máy lập trình tự động phục vụ gia công hàng xuất khẩu. Nhờ máy móc hiện đại, năng suất lao động tăng, thu nhập của người lao động được cải thiện, đã giúp cho hoạt động của nhà máy dần ổn định hơn.
Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất cũng tiếp cận vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến quy trình sản xuất. Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất Nguyễn Anh Minh thông tin, nhờ nguồn vốn vay đầu tư máy móc, thiết bị, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng đóng tàu mới có giá trị lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho khoảng 700 lao động, với thu nhập bình quân 11 - 13 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, đơn vị đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của trung ương là hướng dòng vốn vào sản xuất. Ngân hàng đã chủ động tiếp cận DN, tư vấn, định hướng để hợp tác vay vốn. Tất cả các DN đủ điều kiện cho vay đều được Vietcombank Quảng Ngãi giải ngân nhanh chóng để dòng vốn sớm đi vào thực tiễn. Hiện lãi suất cho vay sản xuất đang giảm mạnh, các rào cản chưa phù hợp trong tiếp cận vốn tín dụng cũng được xóa bỏ. “Đây là thời điểm thích hợp để DN vay đầu tư sản xuất, đặc biệt là DN may mặc thực hiện chiến lược đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất, vượn lên, hội nhập và phát triển”, ông Linh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: