(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang hoàn thành.
Dấu ấn Dung Quất
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi phấn đấu thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh khoảng 1 - 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,29 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 77 nghìn lao động. Kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ; mở rộng, đẩy nhanh tốc độ phát triển KCN - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; kêu gọi đầu tư KCN nhẹ Bình Hòa - Bình Phước... Đến nay, về thu hút đầu tư, tỉnh ta đã vượt kế hoạch, giải quyết việc làm đạt 100% kế hoạch, thu hút được nhiều dự án lớn, đặc biệt là dự án KCN VSIP II Quảng Ngãi.
Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra, đôn đốc thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NG.ĐỨC |
Điều đáng mừng là trong năm 2023, có 2 quy hoạch quyết định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt, đó là Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, đề ra mục tiêu xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia trên địa bàn KKT Dung Quất.
Tính đến nay, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 349 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 396 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 18 tỷ USD). Trong đó, có 65 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đầu tư khoảng 2,25 tỷ USD và 284 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 345 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD). Hiện có 256 dự án đi vào hoạt động. Thông qua việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài đến từ 13 quốc gia đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quan trọng trên thế giới.
Hiện tại, KKT Dung Quất có nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực mang thương hiệu quốc gia và quốc tế. Tiêu biểu là sản phẩm hóa dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; sản phẩm thép chất lượng cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1; sản phẩm của lò hơi, các thiết bị sử dụng cho nhà máy khử nước mặn, thiết bị xử lý hóa chất của Nhà máy Doosan Vina... Sự phát triển của KKT Dung Quất được thể hiện rất rõ thông qua các số liệu so sánh kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản năm 2022 với các KKT, KCN của 11 tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Cụ thể, các chỉ số về thu hút đầu tư và giá trị sản xuất, thu ngân sách nhà nước, giá trị xuất nhập khẩu, KKT Dung Quất của Quảng Ngãi đều xếp thứ nhất.
Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển
Khi xây dựng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta đề ra kế hoạch xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển đô thị. Theo đó, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, như hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án Đường ven biển Dung Quất- Sa Huỳnh giai đoạn 2, kết nối thông suốt với tuyến ven biển các tỉnh Quảng Nam, Bình Định; cầu Trà Khúc 3, đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đô thị TP.Quảng Ngãi và kết cấu hạ tầng đô thị cấp huyện phù hợp với xu hướng phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là, quan tâm đầu tư, phát triển trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh và các đô thị trung tâm ở các huyện. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển TX.Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại IV, một số tiêu chí đạt chuẩn đô thị loại III; đưa huyện Bình Sơn lên thị xã... Ưu tiên bố trí nguồn lực phù hợp với khả năng ngân sách để đầu tư, kiên cố trường, lớp học; nâng cấp bệnh viện tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện.
Cầu Trà Khúc 3 đang được dần hoàn thiện. Ảnh: T.NHỊ |
Tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã được các cấp có thẩm quyền giao là 32,675 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương 23,755 nghìn tỷ đồng (vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm khoảng 12,373 nghìn tỷ đồng), ngân sách trung ương 8.920 tỷ đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong phát triển nguồn thu từ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, nhưng trong 3 năm 2021 - 2023, nguồn này cũng đã thực hiện được 5.450 tỷ đồng. Trong 2 năm 2024 và 2025, tỉnh quyết tâm thu ở mức cao nhất, để đảm bảo nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Quá trình thực hiện chi đầu tư công, tỉnh đã thực hiện cắt giảm khi nguồn thu không đảm bảo. Cụ thể là dừng khởi công mới dự án Cầu Trà Khúc 1, có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng, để chuyển sang giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện. Cắt giảm dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị trục đường Mỹ Trà - Mỹ Khê, tổng mức đầu tư 253 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta đề ra chỉ tiêu thu ngân sách gần 109 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay, tổng nguồn thu khoảng 97 nghìn tỷ đồng, đạt 89% so với kế hoạch, trong đó riêng 7 tháng năm 2024 thu khoảng 17 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang tăng cường các biện pháp thu đối với khoản thu chưa đạt, đảm bảo thu ngân sách hằng năm vượt chỉ tiêu 5% như kế hoạch đã đề ra. Theo nhận định của Sở Tài chính, nếu kinh tế phục hồi nhanh và giá dầu thế giới ổn định thì dự kiến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 134,745 nghìn tỷ đồng, bằng 123,8% mục tiêu kế hoạch đề ra. Nếu không tính hoàn thuế giá trị gia tăng từ hoạt động xuất nhập khẩu, thì thu ngân sách trên địa bàn ước đạt gần 141 nghìn tỷ đồng, bằng 129,4% so với mục tiêu kế hoạch 5 năm. Thành công lớn trong điều hành ngân sách của tỉnh giai đoạn này chính là đã xử lý xong phần hụt thu ngân sách nhà nước năm 2019 và năm 2020 với tổng số tiền hơn 6.100 tỷ đồng; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: