Trà Bồng: Phát huy các nguồn lực để phát triển

05:55, 05/06/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền huyện Trà Bồng trong thực hiện các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, kinh tế - xã hội phát triển.

Đòn bẩy từ các chương trình, chính sách

Ngày nay, đến vùng đồng bào DTTS ở huyện Trà Bồng, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng của vùng đất quế. Bằng sự nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi nên đời sống của người dân huyện Trà Bồng nói chung và người dân vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện nói riêng có bước chuyển biến đáng kể.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 20,19%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị từng bước được củng cố; bộ mặt nông thôn mới của huyện ngày một khang trang, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được giữ vững.

Đường giao thông ở xã Trà Hiệp (Trà Bồng) được bê tông, thuận tiện cho học sinh đến trường. 
Ảnh: NHI PHƯƠNG
Đường giao thông ở xã Trà Hiệp (Trà Bồng) được bê tông, thuận tiện cho học sinh đến trường. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG

Có được kết quả trên là nhờ 5 năm qua, huyện đã triển khai có hiệu quả các chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, huyện được đầu tư gần 500 tỷ đồng từ các chương trình, chính sách như Chương trình 135, Chương trình thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; Chương trình xây dựng nông thôn mới... Nhờ đó, hàng trăm công trình, dự án mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện được triển khai.

Huyện Trà Bồng cũng triển khai hàng trăm mô hình khuyến nông, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày một hiệu quả. Các mô hình được áp dụng đã đem lại hiệu quả kinh tế, các loại giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều. Người dân đã chuyển dần từ hình thức chăn thả sang mô hình nuôi bán thâm canh, nhiều hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại, với đàn gia súc hàng chục con... Các chương trình, dự án, chính sách vùng đồng bào DTTS và miền núi được đầu tư hiệu quả đã đem lại niềm tin trong đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.

Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới

Trong giai đoạn 2019 - 2024, kinh tế của huyện Trà Bồng tiếp tục có bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nay tăng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ. Sản phẩm nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và chú trọng đến chất lượng, dựa trên các loại cây trồng truyền thống, cây trồng có đầu ra ổn định.

Nhiều mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đang được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận dần thị trường tiêu thụ hàng hóa. Công nghiệp, thương mại - dịch vụ có những bước đi tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Người dân xã Sơn Trà (Trà Bồng) chăm sóc đàn bò nuôi theo nhóm cộng đồng giúp bò phát triển tốt hơn. 
Ảnh: NHỊ PHƯƠNG
Người dân xã Sơn Trà (Trà Bồng) chăm sóc đàn bò nuôi theo nhóm cộng đồng giúp bò phát triển tốt hơn. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG

Đến nay, điện lưới quốc gia đến 100% số xã, với 99% hộ dân được sử dụng; 100% đường giao thông từ huyện về trung tâm xã được nhựa hóa; 92,4% tuyến từ xã về thôn được bê tông theo chuẩn nông thôn mới. Hệ thống thủy lợi ổn định nước tưới cho trên 82% diện tích ruộng lúa nước. Huyện Trà Bồng hiện có 3 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, 1 xã đạt 18 tiêu chí nông thôn mới...

Chính sách phát triển giáo dục, đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS cũng được huyện Trà Bồng quan tâm thực hiện có hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy học cho con em người đồng bào DTTS. Huyện Trà Bồng có 17 trường đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến mạnh mẽ, cơ sở vật chất và trang, thiết bị từ huyện đến xã được quan tâm đầu tư; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa dân tộc Cor được huyện chú trọng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng thôn, xóm, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên...

Người dân xã Trà Hiệp thu hoạch quế.	
Ảnh: NHỊ PHƯƠNG
Người dân xã Trà Hiệp thu hoạch quế. Ảnh: NHỊ PHƯƠNG

Những mục tiêu chủ yếu

Huyện Trà Bồng phấn đấu đến năm 2029, tốc độ phát triển kinh tế đạt từ 8 - 10%/năm; định hướng cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý giữa nông, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn dưới 20%; phấn đấu số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2029 vào khoảng 53% (8/15 xã). Nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, huấn luyện lên 60%; số lao động có việc làm thường xuyên đạt 90%. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 15%. Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, phấn đấu 100% tuyến đường huyện được nhựa hóa, 100% đường từ xã đến thôn và liên thôn được bê tông theo chuẩn nông thôn mới; bảo đảm các điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh cho biết, các nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp trong thực hiện các chương trình trên địa bàn được huyện triển khai thực hiện hiệu quả. Các dự án, tiểu dự án và các nội dung thành phần đã tạo động lực góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.

Việc đầu tư tạo sinh kế, phát triển kinh tế, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã và đang được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc cũng như đầu tư hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, huyện Trà Bồng tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất. Trong đó, chú trọng phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, tập trung tổ chức sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.

Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về giảm nghèo, đầu tư phát triển cho y tế, giáo dục, văn hóa, chú trọng nâng cao kỹ năng sống và hội nhập cho học sinh. Quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là, chú trọng thực hiện các chính sách về giáo dục, đào tạo để nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.

BÁ SƠN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 05:55, 05/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.