(Báo Quảng Ngãi)- Hình thành các khu vực sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn nhằm tạo nguồn nguyên liệu, thu hút doanh nghiệp (DN) liên kết chế biến sâu nông sản, thực phẩm, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương chú trọng.
Với diện tích sản xuất từ 16 - 17 nghìn héc ta/năm, năng suất bình quân 19,4 tấn/ha, sản lượng trên 300 nghìn tấn/năm, cây mì trở thành cây trồng chủ lực thứ 2 của tỉnh (sau cây lúa) và là một trong năm vùng trọng điểm trồng mì của cả nước. Qua đó, góp phần đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ các DN, nhà máy chế biến tinh bột mì xuất khẩu, sản xuất ethanol nhiên liệu sinh học và nha đường gluco...
Thu mua nguyên liệu mì tại Nhà máy Mì Sơn Hải (thuộc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi). |
Theo đánh giá của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, vùng nguyên liệu mì lớn và tập trung chủ yếu tại 5 huyện miền núi là một trong những điều kiện thuận lợi để công ty xác lập, duy trì mối liên kết từ sản xuất đến chế biến. Vì vậy, những năm qua, dù bệnh vi rút khảm lá mì bùng phát và gây hại, nhưng công ty vẫn nỗ lực bảo vệ vùng nguyên liệu qua việc đầu tư nghiên cứu và cung cấp giống mì sạch bệnh cho người dân. Riêng vụ sản xuất 2023 - 2024, công ty đã bố trí 2- 2,5 tỷ đồng để mua giống cấp cho người trồng mì tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và thủy sản giữ được mối liên kết bền vững giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Nguyên nhân là hầu hết các DN, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế dẫn đến chưa đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ vào sản xuất; cộng với DN chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng.
Vì vậy, sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sức cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ các mặt hàng chủ lực khác gặp khó khăn, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 10% sản lượng) do chưa đáp ứng được các thông lệ quốc tế về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm từ 10 - 15%.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực (hơn 17,3 nghìn héc ta), gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, thông qua mở rộng các mô hình liên kết nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho công nghiệp chế biến.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung tạo thuận lợi trong việc thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, gắn với đầu tư công nghệ chế biến nông sản, thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ. Vì vậy, ngành nông nghiệp tích cực đồng hành và hỗ trợ các DN, cơ sở chế biến sâu những loại nông sản chủ lực đang có lợi thế của địa phương; trong đó, ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm.
Đơn cử như Đề án phát triển bền vững ngành hàng mì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tỉnh ban hành Kế hoạch 119 ngày 6/6/2024 về việc triển khai thực hiện. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng mì đạt từ 12 - 14 nghìn héc ta; trong đó, các huyện miền núi chiếm từ 9 - 10 nghìn héc ta, góp phần đảm bảo sản lượng (250 - 300 nghìn tấn/năm) và chất lượng đáp ứng nguyên liệu để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, ethanol...).
Việc chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nhằm hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tạo ra giá trị kinh tế cao, thúc đẩy ngành hàng mì nói riêng, lĩnh vực nông sản nói chung phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững.
Bài, ảnh: THANH PHONG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: