Anh Lê Minh Vương, ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) chăm sóc vườn ổi. |
Nghề đúc chậu chủ yếu làm bằng thủ công. Mỗi ngày, một người đúc nhiều nhất cũng chỉ vài chục chậu. Từ đó, anh Linh trăn trở nghĩ cách nâng cao năng suất cho nghề đúc chậu. Anh tìm hiểu, mua các loại linh kiện về lắp ráp để thử nghiệm đúc chậu bằng máy. Sau một thời gian ấp ủ, đầu năm 2024, anh Linh chính thức triển khai đúc chậu bằng máy.
“Nhờ đúc bằng máy có ưu điểm nhanh, bền, chính xác, mỗi ngày cơ sở của tôi sản xuất từ 500 đến 1.000 chậu, với đủ kích cỡ như 50cm, 55cm, 60cm... Giá thành bán ra cũng hạ thấp hơn so với phương pháp đúc chậu thủ công. Bên cạnh cung cấp cho thị trường trong tỉnh, tôi còn bán chậu đến các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai. Vừa qua, một đại lý ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng liên hệ đặt hàng. Tôi thuê từ 4 - 5 lao động để vận chuyển chậu hoa, giúp họ có thêm thu nhập”, anh Linh cho biết.
Bên cạnh duy trì kinh doanh cây cảnh, cây giống các loại, bán hoa Tết, nghề đúc chậu bằng máy giúp anh Linh có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương.
Phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi
Năm 2022, anh Lê Minh Vương (30 tuổi), ở thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), quyết định rời Gia Lai để về quê lập nghiệp. “Gia đình tôi vốn làm nghề nông, trồng các loại cây ăn trái, từ đó, tôi tận dụng diện tích đất sẵn có để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các loại cây trồng như bắp, mì tốn nhiều công chăm sóc, nhưng thu nhập bấp bênh. Do đó, tôi tìm hướng trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tháng 3/2023, tôi xuống giống 150 cây ổi, đến nay thu hoạch được 2 lứa, giá bán 20 nghìn đồng/kg. Tôi đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho cây trồng để tiết kiệm chi phí, thời gian”, anh Vương cho hay.
Từ thành công bước đầu này, anh Vương dự định mở rộng mô hình trồng cây ăn quả, để hình thành nên con đường lâu dài, bền vững trong phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh trồng trọt, anh Vương còn đầu tư làm chuồng nuôi gà, lúc nhiều nhất anh nuôi đến 1.200 con. Anh Vương cho biết, nhờ Internet, nhất là YouTube, đã giúp tôi học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để kịp thời chăm sóc, xử lý cây trồng, vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh. Hiện nay, tôi đang thực hiện mô hình nuôi gà lấy thịt. Sắp tới, tôi sẽ triển khai nuôi gà thả dưới tán cây trong vườn để tận dụng bóng mát, lượng thức ăn tự nhiên, giúp thịt gà săn chắc, ngon và có giá trị hơn.
"Ở quê không thiếu việc làm cho người trẻ, chỉ cần siêng năng, chịu khó làm ăn là có thể tích lũy, nâng cao thu nhập. Tất nhiên, quá trình lập nghiệp cũng phải tính đến những rủi ro mà bản thân có thể gặp phải. Không có gì là thuận lợi hết cả", anh Vương nói.
Ngoài nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, anh Vương còn là gương mặt tích cực tham gia các hoạt động Đoàn ở địa phương. Phó Bí thư Đoàn xã Hành Tín Tây Nguyễn Minh Đức cho hay, thời gian qua, phần lớn đoàn viên, thanh niên đi làm ăn xa ở các thành phố khác hoặc đi làm tại các công ty, xí nghiệp, nên các hoạt động, phong trào ở địa phương vắng bóng nhiều bạn trẻ. Do đó, việc nhiều đoàn viên, thanh niên chọn về quê lập nghiệp mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần bổ sung nguồn lực cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên; đồng thời phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO
TIN, BÀI LIÊN QUAN: