Đổi mới quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

13:25, 30/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP, đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, trở thành “đại sứ” giới thiệu địa phương với bên ngoài. Ngành công thương đã và đang hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) đổi mới cách quảng bá sản phẩm, tiếp cận sâu rộng thị trường.

Quảng bá, bán hàng trực tuyến

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) vừa tổ chức lớp tập huấn xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá hiệu quả sản phẩm trên môi trường trực tuyến. Hàng trăm người trẻ đại diện hộ kinh doanh, HTX và DN nhỏ tham dự đều cảm thấy hứng khởi vì nội dung bổ ích, thiết thực, sát với nhu cầu kinh doanh hiện nay trên môi trường trực tuyến.

Chị Trần Thị Ánh, một hộ kinh doanh đến từ huyện Mộ Đức cho biết, tham gia lớp tập huấn tôi đã nắm bắt được thêm các kỹ năng quảng bá và bán hàng trực tuyến. Đối với nông sản như rau, củ, quả thì tôi cần quảng bá mộc mạc như mình chính là nông dân làm ra sản phẩm. Từ cách ăn nói, trang phục đến trưng bày sản phẩm cần giản dị, chân quê để dễ thu hút khách hàng quan tâm, đặt mua và chốt đơn.

Hộ kinh doanh của huyện Mộ Đức giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương với Tập đoàn Central Retail (chủ đầu tư chuỗi bán lẻ BigC Go!). Ảnh: T.NHỊ
Hộ kinh doanh của huyện Mộ Đức giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương với Tập đoàn Central Retail (chủ đầu tư chuỗi bán lẻ BigC Go!). Ảnh: T.NHỊ

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, chương trình tập huấn này là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, người tham gia không tốn chi phí. Việc sử dụng các công nghệ và kênh trực tuyến như trang web, mạng xã hội, email và công cụ tìm kiếm khác để tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ hiện đang là xu thế tất yếu của hoạt động kinh doanh bán hàng. Đây cũng là một phần chiến lược tiếp thị hiện đại, với mục tiêu tiếp cận và tương tác với khách hàng tiềm năng hiệu quả.

Hiện tại, Quảng Ngãi đã có hơn 50% DN triển khai hoạt động kinh doanh trực tuyến; người lao động trong các DN này thường xuyên sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook... để tương tác và quảng bá sản phẩm. Đặc biệt là, sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok đã tạo nên sức hút rất lớn đối với đông đảo người bán và người mua hàng. Theo đúc kết của các DN và HTX, việc bán hàng trên các mạng xã hội mang lại hiệu quả vượt trội so với trang web hay sàn thương mại điện tử.

Quy tắc “7 bước” trong marketing

Sau nhiều năm thực hiện hỗ trợ các hộ kinh doanh, HTX và DN đổi mới trong xây dựng thương hiệu và bán hàng trực tuyến, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã dần đúc kết thành giải pháp marketing đầy đủ và phù hợp với thực tế. Giải pháp này được đặt tên là “7 bước”, bao gồm: Hiểu rõ đối thủ; thấu hiểu khách hàng; chọn một phân khúc thích hợp; xây dựng thông điệp marketing; quyết định phương tiện marketing; thiết lập mục tiêu kinh doanh và marketing; lập ngân sách marketing. Tương ứng với mỗi bước sẽ đặt ra từng câu hỏi và tìm cách trả lời phù hợp để bám sát thực hiện các mục tiêu đến cùng.

Tuy nhiên, trung tâm cũng khuyến cáo cho việc kinh doanh nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, là phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã và chú trọng xây dựng thương hiệu. Tất cả các yếu tố này phải hướng đến tiêu chí đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, trong nước và thế giới bởi những lợi thế vốn có của sản phẩm OCOP đang tăng cao.

Cùng với đó, người bán hàng nên kết hợp giữa trải nghiệm thực tế và livestream giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, nên khéo léo gắn sản phẩm với câu chuyện văn hóa, truyền thống và nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm, giúp người dùng cùng trải nghiệm, đưa sản phẩm đi xa hơn. Thậm chí, một số sản phẩm đặc trưng cũng cần sử dụng cách livestream cùng người nổi tiếng để thu hút sự chú ý của cả cộng đồng.

THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:25, 30/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.