Trồng hoa cúc làm trà

13:32, 11/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mong muốn đem đến sản phẩm mới được sản xuất ngay chính trên vùng đất thủ phủ hoa cúc, chị Trần Thị Thanh Hà, ở thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), đã thử nghiệm mô hình trồng hoa cúc Tiến Vua để làm trà.

Mô hình trồng hoa cúc làm trà và sản phẩm trà hoa cúc Tiến Vua (ảnh nhỏ) của chị Trần Thị Thanh Hà, ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).
Mô hình trồng hoa cúc làm trà và sản phẩm trà hoa cúc Tiến Vua (ảnh nhỏ) của chị Trần Thị Thanh Hà, ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa).

Trồng hoa đã trở thành nghề truyền thống của người dân xã Nghĩa Hiệp, đặc biệt là hoa cúc. Tuy nhiên, trồng hoa cúc để làm trà là một cách làm mới mẻ đối với người dân địa phương. Xuất phát từ nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm trà, đồng thời, tìm ra hướng đi mới cho người trồng hoa mang tính bền vững, chị Trần Thị Thanh Hà đã tiên phong đưa mô hình trồng hoa cúc Tiến Vua làm trà về trồng.

Thông qua các mối quan hệ, chị Hà đã ra tận tỉnh Bắc Giang để mua giống và học hỏi kỹ thuật trồng hoa cúc làm trà. Chị Hà chia sẻ, ban đầu mới đưa giống về trồng không mấy người tin về mô hình này. Tuy nhiên, sau khi trồng thì cây bén rễ, phát triển tốt mà không cần bón phân hóa học hay phun thuốc. So với trồng hoa cúc chậu truyền thống thì trồng hoa cúc làm trà thuận lợi hơn rất nhiều, chi phí đầu tư thấp.

Sau gần 5 tháng trồng, chị Hà đã thu được hơn 24kg trà hoa cúc khô. Hiện trà hoa cúc khô được chị Hà bán ra thị trường với giá 900 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nếu kết hợp thêm các loại khác như kỷ tử, táo đỏ, cam thảo... sẽ có giá lên đến 1,5 triệu đồng/kg. Do sản lượng ban đầu ít nên sản phẩm trà hoa cúc Tiến Vua của chị Hà chỉ đủ bán cho người quen. Ngoài ra, chị Hà đã cung cấp cho 4 quán cà phê trên địa bàn tỉnh.

Theo chị Hà, tuy chỉ mới thử nghiệm trên diện tích hơn 300m2 nhưng sản phẩm trà hoa cúc được chị trồng trên đất Nghĩa Hiệp đem lại kết quả ngoài mong đợi. Qua khảo sát cho thấy, từ hình thức màu sắc hoa đến chất lượng đều đạt hơn so với các sản phẩm trà hoa cúc khác được bán trên thị trường. “Sở dĩ có sự khác biệt về chất lượng là do sản phẩm trà hoa cúc của tôi được thực hiện theo quy trình hấp rồi sử dụng công nghệ sấy khô đông lạnh, còn ở các nơi khác họ chỉ sấy lạnh rồi phơi nắng. Quy trình hấp, sấy khô đông lạnh sẽ có giá thành khá cao so với sản phẩm thông thường”, chị Hà chia sẻ.

Nhận thấy tiềm năng, lợi thế từ trồng hoa cúc Tiến Vua làm trà, chị Hà tiếp tục nhân rộng diện tích trồng, đồng thời vận động thêm người thân trong gia đình trồng thêm 6 sào. Thuận lợi của trồng hoa cúc làm trà là sau khi thu hoạch xong hoa, người trồng có thể nhân giống từ gốc hoa cũ mà không cần phải mua giống mới. “Sắp tới, tôi sẽ ra tỉnh Bắc Giang để học hỏi thêm kinh nghiệm làm trà hoa cúc. Tôi sẽ quyết tâm làm và xây dựng thương hiệu trà hoa cúc Tiến Vua ở Nghĩa Hiệp”, chị Hà bày tỏ.

Dự án làm trà hoa cúc Tiến Vua của chị Trần Thị Thanh Hà đã được Hội LHPN huyện Tư Nghĩa chọn đại diện tham gia chương trình “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và được trao giải Nhì. Tuy mới được trồng thử nghiệm vụ đầu tiên nhưng hoa cúc làm trà được trồng trên đất Nghĩa Hiệp đã đem lại kết quả ngoài mong đợi, mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 13:32, 11/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.