(Báo Quảng Ngãi)- Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi đã đạt và vượt gần một nửa các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội; chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thành công đó đã làm thay đổi diện mạo của tỉnh và được trung ương đánh giá là một trong những điểm sáng về phát triển KT - XH của cả nước.
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã dành cho Báo Quảng Ngãi cuộc trao đổi về những thành tựu mà Quảng Ngãi đạt được trong năm 2023 và những mục tiêu, định hướng lớn của tỉnh trong năm 2024 và việc thực hiện hoàn thành Kế hoạch phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua Quảng Ngãi. ẢNH: THANH NHỊ |
Đồng chí ĐẶNG VĂN MINH: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ban ngành, địa phương, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực KT - XH, quốc phòng - an ninh.
Trong 25 chỉ tiêu chủ yếu năm 2023 thì có 24 chỉ tiêu đạt (trong đó, 13 chỉ tiêu vượt) so với Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra.
Kết quả nổi bật về kinh tế là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,03%, vượt rất cao so kế hoạch đề ra là -3,5% đến -3%. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,52%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,97%; dịch vụ tăng 5,99%. Quy mô GRDP tính theo giá hiện hành năm 2023 đạt 122,88 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người ước đạt 4.193 USD/người (tương đương khoảng 98,53 triệu đồng), đứng thứ 2/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Các chỉ số cạnh tranh đều tăng hạng Các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ngãi đều tăng hạng so với cả nước và có những bước nhảy vọt rất ấn tượng. Cụ thể, xếp hạng PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2022 đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 20 bậc so với năm 2021); PAR INDEX (Chỉ số cải cách hành chính) đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); DTI (chuyển đổi số cấp tỉnh) đứng thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 34 bậc so với năm 2021, là tỉnh tăng bậc cao nhất cả nước). |
Đặc biệt, theo dự báo của Bộ Tài chính, trong năm 2023 có hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hụt thu ngân sách, nhưng Quảng Ngãi là một trong những tỉnh tăng thu ngân sách rất cao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt 30,678 nghìn tỷ đồng, tăng 24,7% dự toán trung ương giao và tăng 21,8% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó, thu nội địa ước đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 36,5% dự toán trung ương giao và tăng 31,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Với số thu nội địa nêu trên, nếu loại trừ thu tiền sử dụng đất, thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, thu xổ số kiến thiết và ghi thu tiền thuê đất thì thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp tăng gần 6.000 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Quảng Ngãi vượt thu ngân sách rất cao. Khi bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh không còn nguồn lực để thực hiện quỹ cải cách tiền lương theo quy định nhưng đến cuối năm 2023, Quảng Ngãi đã tạo nguồn cải cách tiền lương ngân sách tỉnh khoảng 13,8 nghìn tỷ đồng.
Sản phẩm công nghiệp nặng do Công ty TNHH Doosan Enerbility Việt Nam sản xuất. ẢNH: DS |
Năm 2023 cũng là năm tỉnh ta gặt hái được những thành quả lớn về quy hoạch mà tỉnh đã dày công thực hiện trong những năm qua. Cụ thể là: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, tỉnh đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 5 quy hoạch phân khu 1/2000 trong KKT Dung Quất. Đây là những cơ sở cực kỳ quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư, cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển KT - XH của tỉnh trong thời gian đến. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện rất tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn qua địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH.
Công nhân Doosan Vina trong ca làm việc. ẢNH: DS |
Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh cũng được tổ chức sôi nổi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại được thực hiện thường xuyên, có chất lượng. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục quan tâm, chú trọng triển khai. Cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện mạnh mẽ. Công tác chuyển đổi số được chú trọng thực hiện ở tất cả các lĩnh vực. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
PV: Bên cạnh những thành quả đạt được, tỉnh ta còn những tồn tại, hạn chế như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí ĐẶNG VĂN MINH: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2023 của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Giá trị sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng nhưng còn ở mức thấp; sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao còn thấp. Giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp chưa cao, phần lớn nông sản cung cấp ra thị trường chủ yếu ở dạng thô, chưa qua chế biến. Lĩnh vực dịch vụ chậm phát triển, chất lượng một số ngành dịch vụ còn thấp, nhất là đối với các dịch vụ y tế, GD&ĐT, du lịch. Thu tiền sử dụng đất chưa đạt so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Một số vướng mắc về cơ chế chính sách, về đất đai, giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách chưa được giải quyết kịp thời nên làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển KT - XH.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành với địa phương và giữa địa phương với các sở, ban, ngành vẫn là khâu yếu, tuy được nhận diện và nêu ra trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Vẫn còn tình trạng né tránh, đẩy trách nhiệm lên cấp trên; chất lượng tham mưu, đề xuất của một số sở, ngành, đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
PV: Năm 2024 là năm tăng tốc, có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xin đồng chí cho biết những định hướng lớn của tỉnh về phát triển KT - XH trong năm 2024?
Đồng chí ĐẶNG VĂN MINH: Việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024 được dự báo diễn ra trong bối cảnh có những thời cơ, thách thức đan xen. Chúng ta kế thừa những thành công của kết quả phát triển KT - XH giai đoạn 2021 - 2023, là nền tảng rất quan trọng để tiếp tục đà phát triển trong năm 2024. Đồng thời, các quy hoạch nền tảng, quan trọng của tỉnh được phê duyệt sẽ là cơ sở rất quan trọng để định hướng, tạo hành lang cho quá trình thu hút đầu tư phát triển trong thời gian đến.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. ẢNH: TẤN PHÁT |
Tuy vậy, việc thực hiện kế hoạch phát triển KT- XH năm 2024 của tỉnh cũng đối diện với nhiều thách thức như: Nguồn thu ngân sách phát sinh mới không đáng kể, trong khi một số khoản thu lớn bị giảm rất nhiều. Nhất là việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ dừng hoạt động trong khoảng 2 tháng để bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Ngoài ra, hiện nay thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn trầm lắng, các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính nên khả năng thu tiền sử dụng đất theo dự toán giao sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dựa trên kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh năm 2023; dự báo thời cơ và thuận lợi, hạn chế và thách thức, đánh giá tình hình thực tiễn của tỉnh, dự báo, nhận định của các cấp, các ngành, tỉnh chọn phương án tăng trưởng từ 2,5- 3%, với một số chỉ tiêu chủ yếu như: GRDP bình quân đầu người khoảng 4.460 USD; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 70 - 71% (công nghiệp - xây dựng khoảng 43 - 44%); năng suất lao động xã hội tăng 2,0 - 3,0%; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 38 - 39 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,58 - 1,6%.
Vận hành sản xuất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. ẢNH: PV |
Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 và của nhiệm kỳ là hết sức nặng nề. Chính vì vậy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực, đặt quyết tâm cao nhất, quyết liệt trong hành động; phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường; đổi mới mạnh mẽ tư duy có tính chiến lược, tầm nhìn đột phá trên cơ sở các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra; với mục tiêu là năm sau phải tốt hơn, tiến bộ hơn năm trước.
Tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên UBND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tập trung triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện những vấn đề mấu chốt có tính chiến lược cho sự phát triển KT - XH, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhất là: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT- XH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất; xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển huyện Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển - đảo.
Cảng Hòa Phát Dung Quất, ẢNH: PV |
Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, nhất là thu tiền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; hoàn thành các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH trong năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển KT - XH của tỉnh. Tăng cường hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ triển khai và thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP 2...
Xuất khẩu thép cuộn chất lượng cao tại Khu Liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất. ẢNH: PV |
Thực hiện các giải pháp để đổi mới và thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách xã hội và an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
PHẠM DANH (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: