(Báo Quảng Ngãi)- Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã ra quân sản xuất, chủ động triển khai các giải pháp phù hợp để vượt qua khó khăn, phấn khởi thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
TĂNG TỐC TỪ ĐẦU NĂM
Ngày ra quân đầu năm (mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), không khí lao động tại Nhà máy may Vinatex Dung Quất (KKT Dung Quất) thuộc Công ty CP May Vinatex Đà Nẵng rất nhộn nhịp. Tất cả các công nhân đến nhà máy sớm hơn mọi ngày 30 phút để vệ sinh máy móc, nhà xưởng... tạo khí thế phấn khởi cho ca làm việc ngày đầu năm mới. Tất cả các chuyền may, kho chứa nguyên liệu, kho hàng thành phẩm cho đến bếp ăn tập thể, căng tin... đều mở cửa để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành sản xuất của nhà máy.
Công nhân Nhà máy may Vinatex Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất) trong ca sản xuất đầu năm Giáp Thìn (mùng 7 tháng Giêng). |
Giám đốc Nhà máy may Vinatex Dung Quất Nguyễn Tiến Hiệp cho biết, mùng 7 tháng Giêng, nhà máy tổ chức sản xuất đầu năm, có 488/500 công nhân vào ca, với khí thế lao động rất phấn khởi. Những chế độ, chính sách cho người lao động trong năm 2023 được nhà máy thực hiện đầy đủ, cao hơn mọi năm đã tạo động lực cho công nhân. Năm 2024, nhà máy quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm đơn hàng, tuyển dụng thêm 200 - 300 công nhân. Về thu nhập, nhà máy phấn đấu tăng từ 1 - 2 triệu đồng/người/tháng so với năm 2023, với mức bình quân đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, đơn hàng nhà máy đã ký kết khá lớn, đảm bảo việc làm cho công nhân đến tháng 7/2024.
Chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) cho biết, ngoài lương và các khoản khác, nhà máy còn kịp thời khen thưởng đột xuất, động viên công nhân có thành tích tốt trong lao động. Nhà máy cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động thi tay nghề, thợ giỏi và các phong trào khác để tạo khí thế thi đua lao động sản xuất trong công nhân.
Theo Ban Giám đốc Nhà máy may Vinatex Dung Quất, năm 2023 mặc dù ngành may mặc phải đối diện với nhiều khó khăn lớn nhưng nhà máy đã chủ động vượt khó trong tìm kiếm đơn hàng, tổ chức sản xuất, kết quả doanh thu, lãi, thu nhập của người lao động đạt cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Từ ngày mùng 4 - 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn, các nhà máy của Công ty CP Đường Quảng Ngãi cũng đã tổ chức ra quân sản xuất đầu năm. Vào mùng 4 tháng Giêng, các nhà máy đã khai trương bán hàng, mùng 6 ra quân sản xuất đầu năm. Tinh thần năm mới là tập trung, phù hợp và hiệu quả, đưa sản phẩm ra thị trường ngày càng nhiều, tăng doanh thu, việc làm, thu nhập cho người lao động. Đại diện Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy cho biết, chiều mùng 6 tháng Giêng, công nhân đã đi làm. Công nhân ở tất cả các dây chuyền đều có mặt đông đủ, khí thế vui tươi. Mục tiêu của năm 2024 là tăng sản phẩm, tăng doanh thu khoảng 10 - 20% so với năm 2023; phát triển thị trường trong nước sâu rộng, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa mang thương hiệu Vinasoy tiếp tục xuất khẩu ra thế giới.
Công nhân Nhà máy sữa đậu nành Vinasoy (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) trong ca sản xuất đầu năm mùng 6 tháng giêng Giáp Thìn. |
Hiện tại, hầu hết các DN tại các KCN: Tịnh Phong, Quảng Phú, VSIP Quảng Ngãi đã tổ chức ra quân sản xuất đầu năm, với khí thế sôi nổi. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chủ lực của Quảng Ngãi là lọc dầu và thép hoạt động xuyên Tết. Mục tiêu năm 2024, sản lượng lọc dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt khoảng 6,1 triệu tấn; sản phẩm của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đạt khoảng 5,4 triệu tấn.
VƯƠN TẦM HỘI NHẬP
Theo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Vũ Văn Hải, tình hình xuất nhập khẩu những ngày đầu năm 2024 của Quảng Ngãi có nhiều khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 15/2/2024 đã đạt khoảng 1,241 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 420 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu 821 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước của hoạt động xuất nhập khẩu đến thời điểm trên đã đạt 1.989 tỷ đồng, đạt 25,6% chỉ tiêu năm 2024. Số thu lớn nhất đến từ Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất với 1.246 tỷ đồng; thứ hai là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn với 492 tỷ đồng.
Tàu vào cảng tổng hợp container Hoà Phát Dung Quất để tiếp nhận hàng hóa. |
Năm 2024, nhiều DN trong tỉnh đã có những chiến lược trong phát triển đầu tư ở nước ngoài và đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Võ Văn Danh chia sẻ, năm 2024 công ty sẽ tập trung vận hành 2 nhà máy sản xuất tinh bột mì tại tỉnh Savannakhet và Attapeu (Lào). Mục tiêu của công ty là nâng công suất chế biến các nhà máy lên 550 nghìn tấn/năm. Công ty mong muốn tỉnh hỗ trợ cho DN khôi phục vùng nguyên liệu mì; hỗ trợ đầu tư sâu rộng vào tỉnh Champasak (Lào).
Riêng đối với sản phẩm của Công ty CP Đường Quảng Ngãi, năm 2024, các nhà máy đã đặt mục tiêu xuất khẩu cao hơn năm 2023. Giám đốc Nhà máy Bánh kẹo Biscafun Quảng Ngãi Trần Quang Trung cho biết, hiện sản phẩm mang thương hiệu Biscafun đã xuất khẩu ra 25 nước trên thế giới, vùng lãnh thổ. Sản phẩm chinh phục các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Mỹ và một số nước Châu Âu. Tổng sản lượng xuất khẩu chiếm tỷ trọng 25% trong tổng sản lượng sản xuất. Mục tiêu năm 2024 sản lượng xuất khẩu tăng thêm 20% so năm 2023.
Ngoài phát triển thị trường xuất khẩu đã ổn định, nhà máy còn tập trung tái khôi phục thị trường bị sụt giảm do ảnh hưởng tình hình khách quan như Campuchia, Thái Lan. Để đạt được kết quả này, nhà máy đã dành 3 năm đầu tư, hoàn thiện nhà xưởng để đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật sản xuất bánh quy, bánh mềm phủ socola. Ông Trần Quang Trung cho rằng, hiện đang là thời điểm thuận lợi để mở rộng xuất khẩu vì các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết với các nước đã có hiệu lực.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: