(Baoquangngai.vn)- Chiều 20/12, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền dự và chỉ đạo hội nghị.
Giai đoạn 2021 - 2023, ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả toàn diện, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt trên 3,3%/năm, cơ cấu ngành chuyển dịch đúng hướng. Nhiều chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đạt và vượt, cụ thể: Nông nghiệp tăng gần 3,2%/năm, lâm nghiệp tăng 4,5%/năm, thủy sản tăng 3,15%/năm, giá trị sản xuất bình quân 1ha đất canh tác đạt 104 triệu đồng vào năm 2023.
Quy mô chăn nuôi chuyển dịch từ nông hộ, nhỏ lẻ sang tập trung, đảm bảo an toàn với dịch bệnh. Cơ cấu ngành nghề trong lĩnh vực thủy sản chuyển dịch đúng hướng, giảm nghề lưới kéo từ 32% năm 2021 xuống còn gần 29% vào năm 2023 và tăng các nghề lới rê, câu, vây. Cơ sở hạ tầng thủy lợi được đầu tư kiên cố, gia tăng mức độ cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt từ 8 triệu m3/năm (năm 2021) lên gần 10,3 triệu m3/năm (năm 2023); cấp nước tưới chủ động cho trên 78,8 nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 52%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền tham quan Không gian trưng bày sản phẩm OCOP tại Sở NN&PTNT. |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, toàn tỉnh có 2 huyện (Nghĩa Hành và Tư Nghĩa) và 94 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hiện đã có 166 sản phẩm đạt OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó có 9 sản phẩm OCOP 4 sao; đã cấp 9 mã số vùng trồng nội địa và 1 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu; 97 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè và 56 giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển (trong phạm vi 6 hải lý).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu, ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp để có giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm qua mã QR Code. Sở NN&PTNT cần tập trung xây dựng hệ thống và chuẩn hóa dữ liệu ngành nông nghiệp cũng như các phần mềm quản lý, giám sát sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản địa phương.
Tin, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: