Chọn hướng sản xuất nông nghiệp sạch

09:06, 21/12/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bằng sức trẻ, niềm đam mê và khát vọng khởi nghiệp, nhiều thanh niên đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất nông nghiệp sạch.

Kiên trì khởi nghiệp 

Để thực hiện mô hình trồng rau mầm theo hướng hữu cơ, anh Trần Đình Minh Tịnh (33 tuổi), ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), tự tìm tòi, học hỏi kiến thức trồng rau mầm qua sách, Internet và trải nghiệm thực tế bằng việc tích cực tham quan các mô hình trồng rau sạch trong tỉnh. Dẫu vậy, thời gian đầu, anh Tịnh gặp thất bại khi những mẻ rau mầm liên tục bị úng nước. Song thất bại chẳng thể ngăn ý chí quyết tâm và niềm đam mê sản xuất nông nghiệp sạch của chàng trai trẻ này. Anh Tịnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm nguyên nhân và cách khắc phục, giúp rau mầm sinh trưởng tốt.

“Khi làm việc trong lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, tôi nhận thấy nhu cầu tiêu dùng rau mầm của người dân ngày càng tăng cao, trong khi trên địa bàn tỉnh có rất ít người sản xuất. Vì vậy, sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, tôi quyết định thử sức với mô hình trồng rau mầm hữu cơ. Rẽ hướng khởi nghiệp với lĩnh vực mới, tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, tôi đã xác định, muốn thành công thì đòi hỏi phải kiên trì, vượt qua thất bại”, anh Tịnh chia sẻ.

Anh Trần Đình Minh Tịnh, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), thành công với mô hình sản xuất rau mầm hữu cơ, mang lại nguồn thu nhập khá.
Anh Trần Đình Minh Tịnh, ở tổ dân phố 2, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), thành công với mô hình sản xuất rau mầm hữu cơ, mang lại nguồn thu nhập khá.

Đưa chúng tôi đi tham quan những luống rau mầm đang vào độ thu hoạch, anh Tịnh cho biết, so với các loại rau khác thì trồng rau mầm có rất nhiều ưu thế, không chiếm nhiều diện tích, thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch rau mầm chỉ khoảng 6 ngày, nên thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, đòi hỏi người trồng phải chăm sóc kỹ, vì rau mầm không sử dụng bất kỳ phân, thuốc hóa học nên dễ xảy ra bệnh úng thân. Để rau mầm phát triển tốt, đạt năng suất cao, thì giá thể trồng phải được xử lý sạch, hạt giống được lựa chọn kỹ mới đưa vào gieo. Trong quá trình rau nảy mầm cần chú ý đến nhiệt độ và khí hậu bên ngoài. Chỉ cần một thay đổi nhỏ của thời tiết thì phải thay đổi ngay việc chăm sóc như tưới nước, che chắn để rau sinh trưởng tốt.

Nghiên cứu kỹ thị trường nên chỉ sau hơn 2 tháng triển khai mô hình sản xuất rau mầm, anh Tịnh đã kết nối đầu ra với nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và các quán ăn trong tỉnh. Bình quân mỗi tháng, anh Tịnh xuất bán ra thị trường gần 1 tấn rau mầm, sau khi trừ hết chi phí, anh có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Hiện tại, anh đã hợp tác chuyển giao công nghệ với một trang trại ở tỉnh Đắk Lắk, để xây dựng nhà kính trồng rau mầm và các loại rau bằng phương pháp khí canh, nhằm mở rộng sản xuất, tăng sản lượng rau tiêu thụ ra thị trường.

Thành công với hướng đi mới

Sau thời gian dài làm việc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử ở miền Nam, anh Huỳnh Văn Ý (31 tuổi), ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương (Bình Sơn), quyết định trở về quê để lập nghiệp. Xuất thân trong gia đình thuần nông, sẵn có nền tảng kiến thức nông nghiệp, do đó, dù đã mở một tiệm kinh doanh, sửa chữa điện lạnh của riêng mình, anh Ý vẫn quyết tâm thử sức với mô hình trồng lúa hữu cơ. Nói về cơ duyên chọn sản xuất lúa hữu cơ, anh Ý cho biết, tôi rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Do đó, khi quay về quê hương, tôi quyết tâm thực hiện mô hình trồng lúa với phương pháp mới.

“Đa phần nông dân thường sử dụng phân bón, thuốc hóa học trong quá trình trồng lúa. Do đó, tôi đã chọn hướng đi khác, đó là sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ. So với trồng lúa theo phương pháp truyền thống, trồng lúa hữu cơ tốn nhiều công chăm sóc, nhưng ngược lại lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần. Để tránh sâu bệnh gây hại trên lúa, tôi đã học hỏi từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch. Nhờ đó, tôi đã nắm vững các quy trình trồng, chăm sóc, biết tự điều chế các loại thuốc, phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp và các nguyên liệu dễ kiếm, an toàn như gừng, tỏi, ớt...”, anh Ý chia sẻ.

Sản phẩm gạo hữu cơ của anh Huỳnh Văn Ý, ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương (Bình Sơn), được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Sản phẩm gạo hữu cơ của anh Huỳnh Văn Ý, ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương (Bình Sơn), được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Trên diện tích 3.000m2 đất ruộng, bình quân mỗi vụ, anh Ý sản xuất được khoảng 3 tấn lúa. Lúa sau khi được phơi khô, anh Ý tiến hành xay xát thành gạo, hút chân không và đóng gói để cung ứng ra thị trường. Sau khoảng 1 năm theo đuổi hành trình khởi nghiệp, anh Ý đã kết nối được với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Nhu cầu thị trường lớn, trong khi nguồn cung không đủ, nên anh dự định sẽ thuê thêm đất mở rộng diện tích và liên kết với một số nông dân để cung ứng sản phẩm số lượng lớn, đưa thương hiệu gạo hữu cơ đến với nhiều thị trường trong nước. Với giá bán gạo sạch dao động từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi vụ, anh Ý thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ngoài trồng lúa, chàng thanh niên này đang triển khai mô hình trồng đậu phụng và hoa atiso theo hướng hữu cơ để đa dạng sản phẩm, phát triển kinh tế gia đình.

LAN TỎA TINH THẦN KHỞI NGHIỆP 
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lê Văn Vin, với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ trong tỉnh đã bắt kịp xu hướng của thị trường để theo đuổi đam mê sản xuất nông nghiệp sạch. Câu chuyện về các bạn trẻ mạnh dạn lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương sẽ tạo nguồn cảm hứng, động lực cho đoàn viên, thanh niên mạnh dạn theo đuổi con đường làm giàu từ nông nghiệp. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục khuyến khích, đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, thông qua việc mở các lớp tập huấn chuyên đề, hỗ trợ các chính sách vay vốn. Đồng thời, kết nối với các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và khẳng định uy tín trên thị trường.

 Bài, ảnh: HẢI CHÂU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:06, 21/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.