Nâng tầm sản phẩm quê hương

15:28, 22/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ những con ruốc, cá cơm, cá đét... đậm đà vị biển quê hương, ông Võ Văn Vũ, chủ cơ sở mắm Ba Duyên, ở xã Tịnh Hòa và vợ chồng ông Trần Đình Tiến, bà Phạm Thị Hồng, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) đã chế biến, phát triển thành công những sản phẩm có thương hiệu, tiêu thụ khắp cả nước. Sự nhạy bén ấy, không chỉ giúp họ vươn lên làm giàu, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Nhiều năm gắn bó với nghề làm nước mắm và mắm ruốc truyền thống, đến năm 2021, chủ cơ sở mắm Ba Duyên Võ Văn Vũ, ở thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) quyết tâm gầy dựng thương hiệu cho sản phẩm chế biến hải sản đặc trưng của quê hương mình. “Mỗi năm, tôi bán ra gần chục nghìn lít nước mắm và cả trăm tấn mắm ruốc. Nhưng tất cả đều bán sỉ cho thương lái chứ không có nhãn hiệu gì. Đến năm 2021, tôi bắt đầu trăn trở, rằng đã đến lúc mình phải gầy dựng thương hiệu cho mắm, để mắm có tên tuổi, vào được cửa hàng, siêu thị, như một số sản phẩm nước mắm trong tỉnh và ngoài tỉnh”, ông Vũ chia sẻ.

Sản phẩm nước mắm Ba Duyên được trưng bày tại một sự kiện diễn ra trên địa bàn TP.Quảng Ngãi vào đầu tháng 10 vừa qua.    Ảnh: Ý THU
Sản phẩm nước mắm Ba Duyên được trưng bày tại một sự kiện diễn ra trên địa bàn TP.Quảng Ngãi vào đầu tháng 10 vừa qua.    Ảnh: Ý THU

Bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho mắm, ông Vũ đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại và mày mò cách thức đăng ký nhãn hiệu mắm Ba Duyên. Với một người quanh năm chỉ biết có cá, mắm, các quy trình, thủ tục này chính là thử thách. Nhiều người khuyên ông Vũ cứ bán theo cách cũ, vì thị trường đã rất ổn định rồi. Nhưng ông Vũ vẫn quyết tâm thoát ra khỏi tư duy cũ, để nước mắm cá cơm, mắm ruốc “made in” Tịnh Hòa, cũng có tên tuổi như nhiều nơi khác.

Sau gần 1 năm theo đuổi, hoàn thiện quy trình sản xuất, ông Vũ đăng ký thành công nhãn hiệu mắm Ba Duyên. Năm 2023, sản phẩm mắm ruốc và nước mắm Ba Duyên tiếp tục được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Có thương hiệu, ông Vũ bắt đầu đưa sản phẩm đi “trình làng” ở khắp trong và ngoài tỉnh. Những chai nước mắm, hũ mắm ruốc mang tên Ba Duyên đóng dấu sản phẩm OCOP 3 sao, xuất xứ từ xã Tịnh Hòa bắt đầu lan tỏa trên thị trường.

Ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ, vợ chồng ông Trần Đình Tiến và bà Phạm Thị Hồng, đều đã ngót nghét 60 tuổi, song vẫn xông pha, tìm tòi học hỏi để gầy dựng thương hiệu cho các sản phẩm nước mắm, cá cơm khô, cá đét khô mang đậm đà hương vị quê hương.

“Hồi trước, tôi chỉ ở nhà nội trợ rồi tự muối mắm để ăn tại nhà, chứ đâu biết kinh doanh là như thế nào. Năm 2014, tôi rim cá cơm, cá đét để gửi cho con gái xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, thì bà con chòm xóm ăn thử và khen ngon, rồi gợi ý tôi làm nhiều để bán. Nghề chế biến cá tẩm gia vị và bán nước mắm tình cờ đến với tôi như thế”, bà Hồng cho biết.

Có nguyên liệu tươi ngon tại chỗ từ các tàu cá địa phương, vợ chồng ông Tiến, bà Hồng tận dụng lợi thế này để tạo dựng chỗ đứng trong lòng khách hàng. Bình quân mỗi năm, vợ chồng ông Tiến, bà Hồng thu mua khoảng 12 tấn cá từ tàu ngư dân địa phương. Từ nguồn nguyên liệu này, hai vợ chồng đã cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn cá đét, cá cơm rim thương phẩm và hàng nghìn lít nước mắm.

Không dừng lại ở đó, đôi vợ chồng nhạy bén này còn mày mò cách xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, với khát vọng sản phẩm mang đặc trưng hương vị quê hương mình sẽ vào được siêu thị, cửa hàng. Sau những nỗ lực không ngừng của ông Tiến, bà Hồng, cuối năm 2021, những hũ cá cơm, cá đét tẩm gia vị nhãn hiệu Hồng Tiến được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

“Sau khi sản phẩm có nhãn hiệu, được công nhận sản phẩm OCOP, vợ chồng tôi tích cực tham gia trưng bày sản phẩm ở các sự kiện, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm trở nên uy tín hơn, lan tỏa rộng rãi hơn, khi có nhãn hiệu và được công nhận sản phẩm OCOP, sản lượng bán ra tăng khoảng 50%”, bà Hồng vui mừng thông tin.

Tâm huyết gầy dựng thương hiệu cho sản phẩm, không chỉ giúp chủ cơ sở mắm Ba Duyên Võ Văn Vũ và vợ chồng ông Trần Đình Tiến, bà Phạm Thị Hồng vươn lên làm giàu, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Bình quân mỗi năm, cơ sở sản xuất của vợ chồng ông Tiến, bà Hồng tạo việc làm cho 7 lao động, với mức lương ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Còn ở cơ sở mắm Ba Duyên, vào mùa cao điểm (từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch), cơ sở tạo việc làm cho khoảng 30 lao động, với mức lương từ 300 - 400 nghìn đồng/người/ngày, tùy vào năng suất lao động. Đây là mức thu nhập khá đối với người dân vùng ven biển TP.Quảng Ngãi.

Ý THU - QUỐC VIỆT

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:28, 22/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.