(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, đồ bảo hộ lao động (BHLĐ) đang được bán rất chạy. Thị trường đồ BHLĐ đa dạng với nhiều mẫu mã, giá thành khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và người lao động.
Trên thị trường hiện có nhiều đồ BHLĐ được may bằng chất liệu vải kaki, tuyết xi, kate dày với gam màu xanh đậm, nâu vàng, xám ghi, tím than, cam. Không chỉ thiết kế một màu đơn thuần, đồ BHLĐ hiện nay đan xen 2 - 3 màu, nhằm tạo điểm nhấn cho trang phục. Tùy vào chất liệu, kích cỡ, quần áo BHLĐ có mức giá khác nhau, dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/bộ.
Đồ bảo hộ lao động được bày bán tại một cửa hàng trên đường Quang Trung (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Hồng Hoa |
Chị Lê Ngọc Quỳnh Nga, chủ cửa hàng đồ BHLĐ Tập Bảo (TP.Quảng Ngãi) cho biết, đối với quần áo BHLĐ, cửa hàng có nhiều mẫu thiết kế sẵn để người mua có sự lựa chọn; hoặc người mua yêu cầu may theo mẫu riêng, có logo, tên công ty... Giá mỗi bộ quần áo thiết kế phụ thuộc vào mẫu, chất liệu, thương hiệu mà khách lựa chọn. Mũ bảo hộ cũng có nhiều loại được sản xuất trong nước với giá thành từ 20 - 30 nghìn đồng/cái. Riêng phân khúc hàng chất lượng cao có giá 140 - 300 nghìn đồng/sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều cửa hàng, cơ sở cung cấp đồ BHLĐ, nên doanh nghiệp, người lao động có nhiều lựa chọn. “Nếu làm việc ở môi trường bình thường, người lao động chỉ sử dụng đồ BHLĐ với loại dày vừa phải, mát. Nhưng nếu người lao động làm việc ở các môi trường khắc nghiệt, độc hại thì sử dụng đồ BHLĐ chuyên dụng, có khả năng tăng tiện ích cho người mặc”, chị Nga cho biết thêm.
Ngoài những bộ quần áo bảo hộ dành cho lao động chuyên dụng, có những phụ kiện bảo hộ đi kèm như: Khẩu trang chống độc; giày chống đinh; găng tay len, vải, cách điện, chống hóa chất; kính mắt, đai an toàn... Tùy theo từng công việc khác nhau, người lao động chọn mua các mẫu đồ, phụ kiện phù hợp. Giá găng tay từ 10 - 60 nghìn đồng/đôi, giày có giá từ 100 - 380 nghìn đồng/đôi, tùy chất liệu. Ngoài ra, loại giày chất lượng cao được đa số kỹ sư, giám sát công trình lựa chọn có giá trên 1,6 triệu đồng/đôi.
Không chỉ trang bị đồ bảo hộ cho công nhân trực tiếp làm việc, mà các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn có nhu cầu mua các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy như quần áo chữa cháy, bình xịt... Các loại bình xịt chữa cháy bằng khí hoặc bột đều bắt buộc có tem hợp quy (QR) được đơn vị chuyên ngành cấp thì mới được bán ra thị trường.
Anh Nguyễn Văn Thành, công nhân làm việc tại một công trình ở KKT Dung Quất chia sẻ, đặc thù công việc của tôi là làm ngoài nắng, tiếp xúc với đá, sắt, thép nên đồ bảo hộ rất nhanh hư. Hằng năm, mỗi công nhân được công ty cấp quần áo, găng tay, mũ, giày bảo hộ. Mặc đồ bảo hộ, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn khi làm việc ở công trình.
Giám đốc Công ty CP Cấu kiện bê tông và Hạ tầng Kiến Trường Đặng Thế Mỹ cho biết, cùng với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất, việc trang bị dụng cụ, quần áo, phụ kiện BHLĐ cho công nhân là yêu cầu bắt buộc. Công ty chú trọng trang bị đồ BHLĐ, đảm bảo công nhân được bảo vệ trong quá trình làm việc, đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh lao động trong toàn doanh nghiệp. Công ty cũng tuân thủ các quy định bắt buộc về đồ bảo hộ, thiết bị phòng chống cháy nổ... trong mọi thời điểm.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất... ngày càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn lao động. Người sử dụng lao động chú trọng các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện vệ sinh môi trường, điều kiện làm việc và trang bị đồ BHLĐ cho người lao động để đảm bảo an toàn.
HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: