Làng quê bừng sáng

13:47, 17/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các tuyến đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, nối từ thôn nọ sang thôn kia. Đồng dưa, ruộng ớt... trải dài xanh mướt và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ/ha. Nhà văn hóa thôn rộn rã tiếng cười của người già, trẻ nhỏ... Đó là thành quả là từ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân các địa phương trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Làng quê ở xã Đức Tân (Mộ Đức). ẢNH: MINH THU
Làng quê ở xã Đức Tân (Mộ Đức). ẢNH: MINH THU
Phát huy nguồn lực trong nhân dân 

Ngày trước, thôn An Lộc (nay được tách thành 3 thôn, gồm: An Lộc, An Lộc Nam, An Lộc Bắc), ở xã Bình Trị (Bình Sơn) được nhiều người biết đến với cái tên “xóm rừng”. Bởi, đất đai ở nơi đây cằn cỗi, cây cối um tùm, đường đất đỏ nhỏ hẹp, nắng bụi mưa lầy, cuộc sống của người dân khó khăn. “Diện mạo ở An Lộc thay đổi kể từ khi chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng NTM vào năm 2014 và xây dựng NTM nâng cao vào năm 2021”, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn An Lộc Nguyễn Hồng Hải cho biết. 

Diện mạo thôn An Lộc, xã Bình Trị (Bình Sơn) ngày càng xanh - sạch - đẹp từ sự đóng góp của người dân.
Diện mạo thôn An Lộc, xã Bình Trị (Bình Sơn) ngày càng xanh - sạch - đẹp từ sự đóng góp của người dân.

Năm 2015, người dân thôn An Lộc đã chủ động xây dựng và thực hiện 4 mục tiêu, gồm: Đường sạch, điện sáng, tăng năng suất cây trồng, thoát nghèo bền vững. Không đợi Nhà nước hỗ trợ, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất và đóng góp trên 2.000 ngày công, gần 500 triệu đồng để bê tông 4km đường liên thôn, liên xóm. Năm 2016, nhân dân trong thôn tiếp tục phát huy nội lực, hưởng ứng phong trào dịch rào hiến đất, mở rộng lề đường, bê tông lòng đường trên toàn bộ các tuyến đường liên thôn, liên xóm và thắp sáng đường quê. “Xóm rừng” vì thế đã bừng sáng với 140 trụ điện, rực rỡ với 80 trụ cắm cờ cùng các công trình dân sinh khang trang, sạch đẹp. Tại Nhà sinh hoạt - Ban tự quản xóm Long Bàn, thuộc thôn An Lộc Nam, từ lâu đã trở thành điểm hẹn của người dân nơi đây. Nhà sinh hoạt có khuôn viên 550m2, hai bên bố trí ghế đá, phía trước sân được bê tông sạch sẽ... 

Bà Nguyễn Thị Thủy, ở thôn An Lộc Nam cho biết, từ khi đưa vào hoạt động, nhà sinh hoạt trở thành nơi hàn huyên của người già, khu vui chơi của trẻ con và là sân tập luyện bóng chuyền của thanh, thiếu niên trong thôn. Sáng sớm và chiều tối, nơi đây rộn rã tiếng nói cười. Nhiều hoạt động văn hóa, TDTT thường xuyên được tổ chức tại nhà sinh hoạt, góp phần gắn kết nhân dân trong thôn, xã. 

Tinh thần thi đua xây dựng NTM, NTM nâng cao ở thôn An Lộc lan tỏa khắp các thôn trên địa bàn xã Bình Trị. Người dân các thôn thi đua và động viên nhau thực hiện các tiêu chí NTM. Tại thôn Phước Hòa, xã Bình Trị, người dân phấn khởi khi tuyến đường bê tông được xem là đẹp nhất xã sắp hoàn thành. Tuyến đường này dài 840m, rộng 4m, uốn lượn qua hàng trăm cổng nhà đan xen cùng đồng lúa, ruộng rau. “Tuyến đường hình thành nhờ 50 hộ dân tự nguyện hiến đất thổ cư, đất sản xuất và hoa màu”, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Phước Hòa Tu Thanh Tịnh cho hay. 

Với phương châm đem của dân, sức dân làm lợi cho dân, trong quá trình xây dựng NTM và NTM nâng cao, hệ thống chính trị ở xã ưu tiên nguồn lực thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ phát triển sản xuất. Đến nay, có gần 100% tuyến đường giao thông, trục chính nội đồng trong xã đã được bê tông, cứng hóa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương cũng như phát triển, liên kết vùng sản xuất. Ông Phạm Đạo, ở thôn Phước Hòa bày tỏ, đường mở rộng, điện sáng, người dân thuận lợi trong phát triển kinh tế để thoát nghèo, làm giàu. Chính quyền địa phương đồng hành, tiếp sức qua việc phối hợp chuyển giao kỹ thuật, kết nối tiêu thụ nông sản. Năng suất, chất lượng và giá trị dưa hấu, ớt Bình Trị vì thế cũng gia tăng. Nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu từ dưa hấu và ớt, với thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. 

Chủ tịch UBND xã Bình Trị Bùi Trạng chia sẻ, thành quả trong xây dựng NTM, NTM nâng cao ở địa phương là diện mạo nông thôn khởi sắc, đặc biệt là nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn được nâng lên rõ rệt. Đây chính là động lực để địa phương tiếp tục hướng đến xây dựng NTM kiểu mẫu.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu 

Năm 2022, toàn tỉnh có 9 xã đăng ký thực hiện NTM nâng cao, gồm: Bình Dương, Bình Trị (Bình Sơn); Tịnh Giang, Tịnh Bắc (Sơn Tịnh); Tịnh Kỳ, Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi); Đức Tân, Đức Lợi (Mộ Đức) và Phổ An (TX.Đức Phổ). Tuy nhiên, Bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu cao hơn, trong khi ngân sách đầu tư hạn chế. Với quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, hệ thống chính trị các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy nguồn lực trong nhân dân.

Xã Phổ An (TX.Đức Phổ) đã huy động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp được 4,5 tỷ đồng, cùng hàng chục nghìn ngày công, hàng nghìn mét vuông đất và hoa màu... Người dân hào hứng tăng gia sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn nhà, gìn giữ vệ sinh môi trường xung quanh... Đặc biệt, người dân xã Phổ An tiên phong thực hiện và hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (gần 379ha), thuận lợi trong áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An Phạm Quốc Việt cho hay, sự chung sức của nhân dân đã góp phần tạo nên diện mạo nông thôn "sáng - xanh - sạch - đẹp". Công tác xây dựng NTM nâng cao đã hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn xã, với thu nhập bình quân đạt trên 52,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 1,45% (41 hộ) và cận nghèo 1,5% (43 hộ).

Tuyến đường giao thông hoàn thành từ phong trào tự nguyện dịch rào hiến đất của 50 hộ dân thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn).
Tuyến đường giao thông hoàn thành từ phong trào tự nguyện "dịch rào hiến đất" của 50 hộ dân thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn).

Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nguyễn Thanh Hiên cho biết, với sự đồng thuận của hệ thống chính trị và nhân dân, cùng cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực đã góp phần rất lớn vào việc thực hiện và hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa phục vụ xây dựng NTM nâng cao tại các xã Bình Trị, Phổ An không chỉ phát huy nội lực, sức mạnh đoàn kết, mà còn lan tỏa tinh thần thi đua chung sức vượt khó xây dựng NTM, NTM nâng cao ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng NTM, NTM nâng cao nói riêng trong toàn tỉnh.

Điểm sáng trong huy động xã hội hóa
Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã Bình Trị đã huy động hơn 122 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân và DN trên địa bàn xã đóng góp gần 69 tỷ đồng. Đến nay, xã Bình Trị đã hoàn thành 19 tiêu chí xã NTM nâng cao, trong đó có một số tiêu chí dẫn đầu tỉnh. Thu nhập bình quân 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 0,39% (56 hộ) và cận nghèo 1,8% (152 hộ)...  

 

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



 

Xuất bản lúc: 13:47, 17/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.