(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, một số dự án thủy điện hoàn thành, đưa vào vận hành đã có những đóng góp nhất định cho ngân sách địa phương, nhưng vẫn còn vướng một số thủ tục đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh cần hỗ trợ để các chủ đầu tư sớm hoàn thiện.
Thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) chính thức đi vào vận hành cuối năm 2014. Sau gần 10 năm vận hành, hiện thủy điện này vẫn còn một phần diện tích đất các hạng mục lòng hồ, tháp điều áp, đường dây tải điện 110kV chưa được bồi thường, vì có nhiều vướng mắc về thủ tục. Theo báo cáo của chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh, khu vực lòng hồ nằm trên địa bàn các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung (Sơn Tây) có tổng diện tích 460,4ha nhưng mới chỉ bồi thường 450,9ha, hiện còn 9,5ha gồm 45 thửa đất thuộc địa bàn xã Sơn Dung chưa đền bù. Lý do có tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa các hộ dân và liên quan đến vụ án hình sự, nên UBND huyện Sơn Tây chưa phê duyệt phương án bồi thường. Đối với hạng mục tháp điều áp (1,51ha), thủ tục thanh lý rừng được lập từ năm 2015 nhưng cơ quan chức năng chưa giải quyết dứt điểm; hạng mục đường dây điện 110kV thuộc địa phận huyện Sơn Hà (0,56ha), hồ sơ đã hoàn thiện từ năm 2013 nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Vùng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh (Sơn Tây) còn 9,5ha chưa bồi thường do có vướng mắc về thủ tục. |
Tại dự án Thủy điện Sơn Trà 1 do Công ty CP Đạt Phương Sơn Trà làm chủ đầu tư, đi vào vận hành nhiều năm nay, hiện có tuyến đường dây 110kV chưa hoàn thành thủ tục đất đai với 1,6ha, đi qua 7 xã của huyện Sơn Tây và Sơn Hà. Diện tích này đã được chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường cho người dân, lập hồ sơ thu hồi đất từ năm 2019, nhưng 2 huyện Sơn Tây và Sơn Hà cho rằng hồ sơ chưa đầy đủ nên phải bổ sung, chỉnh lý.
Trong quá trình chỉnh lý, bổ sung thì hạng mục đường dây lại bị loại khỏi kế hoạch sử dụng đất do quá thời hạn; khi bổ sung được vào kế hoạch sử dụng đất trình Sở TN&MT giải quyết, thì sở cho rằng bản đồ địa chính không còn phù hợp phải lập bản đồ mới. Tuy nhiên, khi lập mới bản đồ xong thì UBND huyện Sơn Hà lại cho rằng các xã, thị trấn có đất bị thu hồi không được xác định trong chủ trương đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư phải bổ sung. Khi chủ đầu tư liên hệ Sở KH&ĐT bổ sung thì sở cho rằng vị trí hướng tuyến được thỏa thuận qua huyện Sơn Hà đủ cơ sở, hơn nữa dự án đã đi vào vận hành từ 2018 nên không có cơ sở để điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Từ đó, vụ việc rơi vào bế tắc.
Dự án Thủy điện Kà Tinh (Trà Bồng) đã đi vào vận hành hơn 3 năm, nhưng hiện còn hơn 44ha chưa được giao đất, cho thuê đất. Dự án Thủy điện ĐăkBa đi vào vận hành từ đầu năm 2023 nhưng hiện còn hơn 30ha đất chưa được giao đất, cho thuê đất. Ngoài ra, thủy điện Trà Phong (Trà Bồng) hiện có tài sản công là cây cầu dân sinh nằm trong vùng dự án chưa giải quyết dứt điểm nên chưa giao đất, cho thuê đất...
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án thủy điện, tổng công suất hơn 667 MW; trong đó, có 16 dự án đã vận hành. Trong 16 dự án đi vào vận hành, có 5 dự án chưa hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất; 9 dự án có vướng mắc về thủ tục khác; chỉ có 2 dự án là đầy đủ thủ tục pháp lý. |
Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức chức cuộc họp với các chủ đầu tư thủy điện để tháo gỡ các vướng mắc trên. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần có trách nhiệm hơn trong tháo gỡ vướng mắc, giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho doanh nghiệp. Đồng thời, cho ý kiến cụ thể cách giải quyết tồn tại của từng dự án để địa phương, ngành chức năng và chủ đầu tư thực hiện. Đối với dự án Thủy điện Đăkđrinh, giao chủ đầu tư rà soát, hoàn thiện lại các hồ sơ thủ tục đất đai có vướng mắc, làm việc với 2 huyện Sơn Tây, Sơn Hà, để trình UBND tỉnh xem xét giải quyết dứt điểm trong năm 2023. Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân, huyện đang xem xét để phê duyệt phương án bồi thường đối với 9,5ha lòng hồ, sẽ đủ điều kiện chi trả tiền cho người dân trong tháng 7/2023.
Đối với dự án Thủy điện Sơn Trà 1, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với 2 huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT xem xét có giải pháp phù hợp thực tế, không cứng nhắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đất đai. Đối với các dự án Thủy điện Kà Tinh (Trà Bồng), Thủy điện ĐắkBa, yêu cầu các sở, ngành và 2 huyện Trà Bồng, Sơn Tây khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, đề xuất UBND tỉnh xem xét giao đất, cho thuê đất, vì đây là dự án đã hoàn thành trách nhiệm bồi thường và không có khiếu nại. Thủ tục nào còn thiếu thì hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung; không để vướng mắc tiếp tục kéo dài. Riêng thủy điện Trà Phong, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương chọn phương án xây dựng cầu mới thay cho cầu cũ để trả lại cho người dân đi lại thuận lợi.
Bài, ảnh: THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: