Cùng chuyên gia xuống đồng

08:42, 19/07/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Chuyên gia và nông dân, cán bộ kỹ thuật tại địa phương tương tác trực tiếp, vừa học vừa hành ngay tại thửa rau, ruộng dưa. Qua đó giúp nông dân nắm bắt và tiếp cận thông tin, kỹ thuật sản xuất đầy đủ, kịp thời và toàn diện hơn; các cán bộ kỹ thuật cơ sở cũng trưởng thành hơn. 
 
Đó là mục tiêu mà huyện Bình Sơn hướng đến khi triển khai thực hiện chương trình nông dân, cán bộ kỹ thuật cơ sở gặp gỡ, trao đổi cùng chuyên gia Công nghệ sinh học Võ Màu (78 tuổi), Trưởng Khoa Vi sinh, thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp Việt Nam. 
 
Nông dân chủ động tiếp cận
 
Dưới cái nóng như đổ lửa, ruộng dưa lưới giống Inkata của nông dân Nguyễn Văn Trung (Bình Hòa) chẳng khác gì “chiếc ô xanh” che nắng lý tưởng. Ruộng dưa xanh mướt, quả treo lủng lẳng, giữa hai luống dưa có lối đi rộng rãi với mật độ phù hợp. Sau một vòng thăm quan ruộng dưa, tỉ mẫn kiểm tra ngọn, lá và vỏ quả và chuyện trò cùng ông Trung, chuyên gia Võ Màu đã “bắt” được khá nhiều lỗi trong quá trình trồng và chăm sóc dưa lưới. Đó là dưa đã qua 60 ngày và cho quả đều nhưng chưa được bấm ngọn, lá và ngọn bị vàng và ruộng dưa cùng lúc có 4 loại sâu bệnh là sương mai, phấn trắng, nhện đỏ và bọ trĩ.
 
Chuyên gia Võ Màu tỉ mẩn kiểm tra thực trạng sinh trưởng phát triển và sâu bệnh gây hại cây dưa lưới trên địa bàn huyện Bình Sơn
Chuyên gia Võ Màu tỉ mẩn kiểm tra thực trạng sinh trưởng phát triển và sâu bệnh gây hại cây dưa lưới trên địa bàn huyện Bình Sơn.
 
“Đây là do bón phân theo công thức có sẵn, chưa phù hợp với từng giai đoạn phát triển, dẫn đến tình trạng “thừa chất này, thiếu chất kia”. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh thực hiện kiểu “thừa còn hơn thiếu”, khiến “sâu chồng bệnh” nên vừa tốn chi phí, lại ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân cũng như chất lượng quả”, chuyên gia Võ Màu nhận xét. Khắc phục những lỗi trên, chuyên gia Võ Màu đã tận tình chia sẻ với ông Trung một số thông tin hữu ích, từ thời gian bấm ngọn, đến cách sử dụng một số loại và liều lượng phân bón tương ứng với từng giai đoạn của cây. Đặc biệt là cách chế tạo các chế phẩm sinh học Trichoderma, để phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại trên dưa lưới. 
 
Chuyên gia Võ Màu cùng chủ ruộng dưa lưới Nguyễn Văn Trung, xã Bình Hòa bắt bệnh cho dưa ngay tại ruộng
Chuyên gia Võ Màu cùng chủ ruộng dưa lưới Nguyễn Văn Trung, xã Bình Hòa "bắt" bệnh cho dưa ngay tại ruộng.
 
Tại ruộng hành tím ở thôn Thanh Thủy (Bình Hải), chuyên gia Võ Màu cho rằng, bệnh trên cây hành tím xuất phát từ việc người dân sử dụng sai liều lượng và chủng loại các loại thuốc BVTV. Điều này có thể giúp giảm sâu bệnh trước mắt nhưng lại tạo điều kiện để loài khác bùng phát và gây hại mạnh hơn. Hơn nữa, mỗi loại cây trồng, từ lúa, rau, hoa màu đều có kỹ thuật và quy trình chăm sóc khác nhau, dẫn đến phương pháp sản xuất cũng khác nhau. Mỗi loại phân bón chỉ phù hợp với từng loại cây trồng nhất định.
 
Thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng chỉ đặc hiệu với một số đối tượng gây hại nhất định và không phải lúc nào cũng sử dụng. Ví như các loại rau ăn lá có vòng đời ngắn, thường được người dân trồng trên các chân đất dày thịt nên chỉ cần sử dụng chế phẩm sinh học, không cần thuốc BVTV để vừa tiết kiệm, vừa an toàn, giá bán lại cao… Hoặc bệnh nấm gây hại cây hành tím, nông dân càng phun nhiều thuốc BVTV thì càng tốn kém, mà cây vẫn héo, củ vẫn thối.
 
Ông Nguyễn Nga, thôn Thanh Thủy (Bình Hải) cho biết, cũng vì tâm lý trừ sâu bệnh nhanh mà lâu nay mình sử dụng phân bón và thuốc BVTV sai cách, không đúng liều lượng và chủng loại. Điều này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, vừa gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn thực phẩm... Khi được Chuyên gia Võ Màu hướng dẫn và sắp đến sẽ giúp tạo chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh trên cây hành tím từ ruốc, có củ đậu, nha đam, lá thầu đâu (cây xoan), nông dân rất vui. 

 

Người trồng hành tím cùng với chuyên gia Võ Màu trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh trên cây hành
Người trồng hành tím cùng với chuyên gia Võ Màu trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh trên cây hành.
 
Cán bộ kỹ thuật cơ sở tự tin 
 
Tương tác học và hành ngay tại ruộng, cộng với cách nói chuyện khoa học nhưng rất “nông dân” của Chuyên gia Võ Màu không chỉ giúp nông dân dễ hiểu, dễ áp dụng và chủ động hơn so với cách thức truyền thống (tập huấn, hội thảo); mà cán bộ kỹ thuật cơ sở cũng “bỏ túi” được nhiều kiến thức và kỹ năng.
 
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn Hàng Thị Hồng cho biết, lâu nay mình cũng ngộ nhận các loại phân bón tổng hợp sẽ cân bằng được dinh dưỡng, thành phần vi lượng cần thiết cho cây trồng, nhưng thực tế không phải vậy. Vậy nên khi tương tác trực tiếp với Chuyên gia trên đồng ruộng giúp tôi tự tin trong tiến cận kiến thức, thông tin và kinh nghiệm thực hành, qua đó nâng cao hiệu quả trong hướng dẫn kỹ thuật, xử lý tình huống phòng trừ sâu bệnh tương ứng với từng đối tượng cây trồng, chứ không có kiểu “dùng chung” như lâu nay. 
 
Chưa nắm bắt đầy đủ và toàn diện quy trình sản xuất, cộng với lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát, chất lượng sản phẩm thấp
Chưa nắm bắt đầy đủ và toàn diện quy trình sản xuất, cộng với lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát, chất lượng sản phẩm thấp.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho rằng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật bằng hình thức “cầm tay, chỉ việc” giúp người dân được trực tiếp học và thực hành ngay trên đồng ruộng nhằm hình thành thói quen mới trong canh tác. Phương pháp này sẽ góp phầp giúp nông dân thay đổi nhận thức và thuần thục các khâu trong sản xuất an toàn, chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại. Qua đó phát triển sản xuất an toàn, bền vững giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm chất lượng nông sản, bảo tồn thiên địch theo nguyên tắc của Chương trình IPM.
 
Thời gian đến, huyện sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lồng ghép triển khai nhiều hoạt động thuộc Chương trình IPM, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân IPM trên cây lúa, rau màu… theo hướng “học và hành” ngay tại ruộng. Nội dung thiết thực theo nhu cầu của người học và yêu cầu thực tiễn sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Qua đó giúp nông dân giảm lượng giống, thuốc hóa học, phân bón vô cơ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.  
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
Xuất bản lúc: 08:42, 19/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.