(Báo Quảng Ngãi)- Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều sản phẩm truyền thống được khách hàng ưa chuộng. Trong số đó có các sản phẩm do cơ sở sản xuất của người khuyết tật làm chủ.
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến sản phẩm bánh mè mang thương hiệu Huy Ny. Đó là sản phẩm được sản xuất từ cơ sở do anh Hoàng Minh Cường, ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức) làm chủ. Vượt qua mặc cảm khuyết tật, anh Cường đã vươn lên khẳng định bản thân, đưa thương hiệu sản phẩm bánh mè truyền thống bay xa. Năm 2013, vợ chồng anh Cường khởi nghiệp với cơ sở sản xuất bánh mè Huy Ny. Anh Cường chia sẻ, bánh mè là loại bánh truyền thống của địa phương. Dù nắm rõ công thức và nguyên liệu làm bánh nhưng tôi vẫn tìm tòi, học hỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếc bánh khi ra lò giòn, xốp và có vị ngon đậm đà.
Anh Hoàng Minh Cường, chủ cơ sở sản xuất bánh mè Huy Ny, đầu tư máy móc tự động để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Ảnh: Trung Ân |
Khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp là việc mở rộng thị trường, khách hàng chủ yếu là người địa phương. Anh Cường mang bánh mè Huy Ny đến các chợ, cửa hàng tạp hoá giới thiệu sản phẩm. Năm 2017, anh Cường đầu tư máy móc hiện đại để làm bánh như máy hấp nếp, máy ép, máy sấy, máy chiên... với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Khi sử dụng thành thạo máy móc tự động, cơ sở sản xuất bánh mè Huy Ny đạt năng suất 1,5 - 2 tạ bánh/ngày. Thương hiệu bánh mè Huy Ny được công nhận đạt chuẩn 3 sao OCOP và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. “Ngoài kênh bán hàng truyền thống, tôi tìm đầu ra cho sản phẩm qua sàn thương mại điện tử, bán trên Lazada, Tiki, Shopee, mạng xã hội để người tiêu dùng biết đến và đón nhận sản phẩm. Ước tính trung bình cơ sở bán được hơn 2.000 túi bánh/tháng”, anh Cường cho biết.
Còn với vợ chồng anh Đặng Văn Tấn và chị Mai Thị Trúc Lệ, ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), thành công từ mô hình sản xuất nhang quế. Anh chị đều là người khuyết tật. Năm 2020, vợ chồng anh Tấn bắt tay vào sản xuất nhang quế. Sản phẩm nhang từ cơ sở của anh Tấn được làm từ vỏ và lá quế ở huyện Trà Bồng. Anh Tấn cho biết, để sản phẩm được thị trường đón nhận, không phải là điều dễ dàng. Anh chị đã đầu tư máy làm nhang, máy trộn, máy sấy để sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn thẩm mĩ và chất lượng. Dần dà, sản phẩm nhang quế sạch của cơ sở của vợ chồng anh Tấn được nhiều người biết đến. Bình quân mỗi tháng cơ sở của vợ chồng anh chị xuất bán 20 tấn nhang. " Vì sản xuất sạch, không pha trộn màu hay hương liệu, không gây độc hại cho người sử dụng nên sản phẩm nhang quế sạch dần được người tiêu dùng tin dùng. Tôi hy vọng cơ sở phát triển hơn nữa, để có điều kiện tạo việc làm cho người khuyết tật”, anh Tấn chia sẻ.
Vợ chồng anh Vy Ngọc Dũng và chị Lương Thị Hoà, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) có thu nhập ổn định nhờ làm nghề chổi đót. Hằng ngày, chị Hoà ở nhà lo cơm nước và làm chổi đót cho anh Dũng đi bán. Sản phẩm chổi đót do chị Hoà làm có mẫu mã đẹp, bền chắc nên được khách hàng lựa chọn. Lúc đầu, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở trong xóm làng, về sau anh Dũng chở đi bán khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi tháng vợ chồng chị Hoà bán được hơn 400 cây chổi. "Chồng tôi bị mù bẩm sinh, tuy gặp không ít khó khăn khi đi bán dạo nhưng còn sức lao động thì vợ chồng tôi tiếp tục mưu sinh, làm nghề chân chính để có cuộc sống ổn định hơn”, chị Hoà bộc bạch.
TRUNG ÂN