Nông dân gặp khó vì bệnh vi rút khảm lá mì

08:41, 11/04/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Bệnh vi rút khảm lá mì ngày càng lây lan và gây hại nghiêm trọng khiến nông dân bất lực. Việc tìm nguồn giống kháng bệnh, sạch bệnh đang là bài toán khó với nông dân. 
 
                  “Đỏ mắt” tìm giống sạch bệnh
 
Đã 4 năm, bệnh vi rút khảm lá mì xuất hiện và nhanh chóng lây lan ra khắp các vùng chuyên canh cây mì trên địa bàn tỉnh, nông dân vẫn “đỏ mắt” tìm nguồn giống sạch bệnh. 
 
Bà Phạm Thị Hoa, ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) xuống giống 5 sào mì vào tháng trước và cả 5 sào mì đều nhiễm vi rút khảm lá.
Bà Hoa cho biết, bệnh từ vụ này lây qua vụ khác, vùng này qua vùng khác. Mặc dù đã bón vôi, phun thuốc nhiều lần vẫn không tiêu diệt được mầm bệnh. Cây mì còi cọc, lá xoăn, năng suất giảm đi rất nhiều. Bệnh này thì nông dân bất lực, nhiều người đành bỏ ruộng hoang.
 

Nông dân bất lực vì cây mì bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá nặng.
Nông dân bất lực vì cây mì bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá nặng.
 
Gia đình ông Nguyễn Sen, ở thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) có 5 sào mì. Theo ông Sen, trước đây, mì là loại cây trồng rất dễ canh tác, ít tốn chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc, năng suất đạt từ 1,5 - 2 tấn/sào, nông dân thu được từ 3 - 4 triệu đồng/sào.
 
Thế nhưng, từ khi xuất hiện bệnh vi rút khảm lá, năng suất mì sụt giảm mạnh, chỉ còn từ 30 - 50% khiến nông dân thất thu. Mỗi năm bệnh càng nặng thêm, cây mì vừa ra lá non đã cong queo, rễ không phát triển rồi chết yểu. 
 
Cây mì vừa ra lá non đã nhiễm bệnh.
Cây mì vừa ra lá non đã nhiễm bệnh.
 
“Tôi nghe nói có giống mì mới sạch bệnh nhưng hỏi khắp nơi vẫn chưa tìm được giống mới, phải trồng giống cũ, biết chắc lại một vụ nữa thất thu. Vùng này đất khô cằn, không có nước tưới, không trồng cây mì thì nông dân chẳng biết chuyển sang trồng cây gì”, ông Sen buồn bã nói.
 
                     Mong sớm nhân rộng giống mì kháng bệnh
 
Quảng Ngãi là địa phương có diện tích trồng mì lớn, dao động từ 14 - 16 nghìn héc-ta. Tuy nhiên, bệnh vi rút khảm lá mì xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ tháng 9 năm 2019, lây lan ra diện rộng và gây hại nghiêm trọng làm giảm diện tích mì.
 
Niên vụ 2021 - 2022, diện tích mì bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá ở Quảng Ngãi lên tới 8.000ha, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, sản lượng mì, thu nhập của nông dân và hoạt động của các nhà máy chế biến tinh bột mì. Niên vụ 2022 - 2023, toàn tỉnh xuống giống hơn 12,9 nghìn héc-ta mì. Hiện hầu hết diện tích mì trồng các giống cũ đã bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá nặng.
 
Năm 2022, Sở NN&PTNT đã phối hợp với huyện Nghĩa Hành và Sơn Hà trồng thí điểm 2 mô hình giống mì kháng bệnh vi rút khảm lá, với diện tích 10ha. Giống mì trồng thí điểm sinh trưởng và phát triển tốt. Cả 2 mô hình đều không xuất hiện triệu chứng của bệnh vi rút khảm lá, cho năng suất và hàm lượng tinh bột tốt. 
 
Nông dân rất mong sớm nhân rộng các giống mì mới kháng bệnh vi rút khảm lá.
Nông dân rất mong sớm nhân rộng các giống mì mới kháng bệnh vi rút khảm lá.
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung cho biết, từ kết quả thử nghiệm của 2 mô hình trồng giống mì kháng bệnh vi rút khảm lá, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch nhân rộng trồng thí điểm giống mì kháng bệnh vi rút khảm lá trên địa bàn tỉnh trong các niên vụ tiếp theo. Tuy nhiên, lượng hom giống thu được từ 2 mô hình cung cấp cho diện tích trồng mới chỉ từ 50 - 55ha, rất ít so với diện tích mì bị nhiễm bệnh là 8.000ha.
 
Quảng Ngãi đang kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ cho Quảng Ngãi dự án trồng giống mì mới kháng bệnh vi rút khảm lá để tỉnh nhanh chóng nhân rộng, đảm bảo có đủ nguồn hom giống cung ứng cho nông dân sản xuất, thay thế diện tích mì đã bị nhiễm bệnh, sớm vực dậy các vùng nguyên liệu mì. 

Bài, ảnh: ÁI KIỀU

 


Ý kiến bạn đọc


.