(Báo Quảng Ngãi)- Tăng cường tuyên truyền gắn với kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm là một trong những giải pháp của ngành nông nghiệp, nhằm cụ thể hóa mục tiêu sản xuất, kinh doanh nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.
[links()]
“Cùng với hỗ trợ, tạo thuận lợi để người dân phát triển sản xuất kinh doanh, chúng tôi cũng đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc, góp phần cung cấp nguồn hàng chất lượng, an toàn để phục vụ cho người tiêu dùng”, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đức Bình cho biết. Trong 9 tháng năm 2022, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra và xử lý 8 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, ATTP với số tiền trên 14 triệu đồng. Tổ chức lấy 30 mẫu tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh để phân tích các chỉ tiêu về dư lượng hóa chất độc hại, qua đó phát hiện một mẫu tại TX.Đức Phổ bị nhiễm kháng sinh cấm (Ciprofloxacin).
Vì đặc thù sơ chế (phơi nắng) nên mực xà khô xã Bình Chánh (Bình Sơn) là một trong những mặt hàng thường xuyên được ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra. |
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP.Quảng Ngãi chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, phân phối thực phẩm qua nhiều khâu trung gian; trong khi công tác thông tin thị trường, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm còn hạn chế. Chủ các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản và thực phẩm thì cho rằng, các sản phẩm thực phẩm có quá nhiều chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh ATTP; trong khi những tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì nhập nhằng, chồng chéo. Điều này khiến những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, thủ công gặp khó trong việc thực hiện các thủ tục công bố chất lượng sản phẩm; hạn chế việc tiếp cận thị trường và người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP nhưng chưa được người tiêu dùng biết đến.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát ATTP trên địa bàn tỉnh, thời gian đến Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về ATTP; tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản gắn với công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP bị xử lý theo quy định; duy trì và nâng cao hiệu quả thực hiện những chương trình giám sát các sản phẩm sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên diện rộng. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 21/1/2022 của UBND tỉnh về Chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Bài, ảnh:
THANH PHONG