Hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân

10:03, 12/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ các chương trình, chính sách khác nhau, nhiều địa phương ở các huyện miền núi đã lồng ghép hỗ trợ người dân các giống cây như mây, dược liệu... để trồng dưới tán rừng. Nhờ vậy, nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
 
[links()]
 
Nâng cao thu nhập dưới tán rừng
 
Từ khi cây keo trở thành cây trồng chủ lực của các huyện miền núi, nhiều hộ dân đã lấn chiếm đất rừng tự nhiên, xâm phạm rừng phòng hộ để trồng keo. Để người dân yên tâm bảo vệ rừng và xem đó là tài sản của chính mình, vấn đề đặt ra là phải nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách hỗ trợ cây trồng dưới tán rừng.
 
Mô hình trồng cây khôi nhung dưới tán rừng tự nhiên của anh Đinh Minh Hưng, ở xã Sơn Bua (Sơn Tây).
Mô hình trồng cây khôi nhung dưới tán rừng tự nhiên của anh Đinh Minh Hưng, ở xã Sơn Bua (Sơn Tây).
Tại xã Long Môn (Minh Long), những năm qua, nhiều hộ dân đã nhận khoán chăm sóc, khai thác cây mây, một loài lâm sản phụ dưới tán rừng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho kinh tế gia đình. Theo một số người dân ở xã Long Môn, đến mùa thu hoạch mây, trung bình mỗi lao động kiếm được từ 200-250 nghìn đồng/ngày. Nguồn thu nhập này đã giúp người dân trong xã có điều kiện để sắm xe máy, tích góp làm nhà, nuôi con ăn học...
 
Để mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân, thời gian qua, thông qua các nguồn hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia, người dân địa phương đã được hỗ trợ mây giống để trồng. “Cách đây 7 năm, gia đình tôi đã trồng được 15 nghìn gốc mây. Tôi đang cố gắng chăm sóc để sang năm thu hoạch. Nếu mây được thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/kg như năm nay, thì tôi sẽ thu được tiền tỷ chứ không ít”, anh Đinh Văn Mười, ở thôn Làng Ren, xã Long Môn, chia sẻ.
 
Chủ tịch UBND xã Long Môn Đinh Trung Hiếu cho biết, ngoài hưởng lợi từ mây rừng tự nhiên, hiện nay người dân còn trồng được hơn 20ha mây nằm rải rác ở các cánh rừng. Người dân có thu nhập từ rừng cũng góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ rừng. Thế nên, người dân mong muốn tiếp tục được hỗ trợ cây giống để trồng dưới tán rừng, nhằm tạo ra thu nhập bền vững trong những năm tiếp theo.
 
Cơ hội phát triển kinh tế
 
Trồng được cây khôi nhung dưới tán rừng tự nhiên phát triển xanh tốt, anh Đinh Minh Hưng, ở xã Sơn Bua (Sơn Tây) phấn khởi bày tỏ, cây khôi nhung này đã trồng được hơn 1 năm và chuẩn bị cho thu hoạch. Đây là diện tích rừng đã được giao khoán cho người dân địa phương khoanh nuôi, bảo vệ và tôi đã thuê lại của các hộ khác với giá 400 nghìn đồng/ha. Người dân nhận giao khoán được hưởng lợi 800 nghìn đồng/ha/năm, còn tôi sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cách trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện khôi nhung được thương lái thu mua với giá 160 nghìn đồng/kg khô. Loại dược liệu này chỉ thu hoạch lá nên thuận lợi trong khâu thu hoạch, vận chuyển, phơi khô.
 
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến, từ sự hỗ trợ của Sở KH&CN, huyện đang làm thí điểm mô hình trồng 3ha khôi nhung dưới tán rừng. Đây là loại cây thảo dược bản địa có trong rừng tự nhiên, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như kỹ thuật chăm sóc của người dân địa phương. Nếu mô hình này thành công, huyện sẽ nhân rộng ra cho người dân trồng dưới tán rừng.
 
Huyện Sơn Tây là một trong những địa phương có diện tích măng nứa tự nhiên lớn, với hàng trăm héc ta. Tuy nhiên, hiện nay người dân khai thác theo kiểu tận thu và chặt phá nhiều diện tích măng nứa để trồng keo. Thời gian tới, huyện Sơn Tây sẽ quy hoạch lại vùng măng nứa và hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư máy móc để thu mua, chế biến các sản phẩm măng nứa, nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân và góp phần bảo vệ rừng.
 
Giao khoán rừng cho người dân
 
Quảng Ngãi hiện có hơn 108 nghìn héc ta rừng tự nhiên, hầu hết đã được giao khoán cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ. Do đó, nếu được hỗ trợ cây giống phù hợp, kỹ thuật trồng và chăm sóc, người dân sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập dưới tán rừng.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 

.