(Báo Quảng Ngãi)- Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được triển khai là hướng đi mới đầy tiềm năng vì sự phát triển bền vững. Đây cũng là cách làm hữu hiệu để giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa
Dự án này được UBND tỉnh phê duyệt có sự tài trợ của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP). Dự án được giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (LHH) chủ trì, phối hợp, triển khai tại các xã Bình Hải, Bình Thuận, Bình Phước và thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn).
Bình Sơn là huyện có hệ sinh thái đặc trưng như: Rừng cóc trắng ở bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh, rạn san hô và thảm cỏ biển ở Gành Yến... Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa của Bình Sơn diễn ra nhanh chóng, việc gia tăng các hoạt động công nghiệp và khai thác quá mức của con người đã khiến môi trường ven biển bị ảnh hưởng nặng nề, tác động trực tiếp đến sinh kế của cư dân ven biển, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự mai một của văn hóa bản địa.
Du khách tham quan rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn). |
Đầu năm 2022, LHH phối hợp với UNDP/GEF SGP tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan để đánh giá và đề xuất các mục tiêu, kết quả mong muốn, hoạt động triển khai dự án và khả năng phối hợp, lồng ghép với các chương trình khác ở địa phương của Dự án. Theo Điều phối viên quốc gia, Quỹ Môi trường toàn cầu Nguyễn Thị Thu Huyền, GEF SGP là một chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho cộng đồng và các tổ chức xã hội, nhằm đáp ứng các mục tiêu tổng thể đó là đảm bảo lợi ích môi trường toàn cầu thông qua các sáng kiến và hành động dựa vào cộng đồng.
Mục tiêu giao quyền quản lý cho cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với hệ sinh thái và văn hóa bản địa của Dự án, nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững và giao quyền cho cơ sở, là một trong những cách thức hiệu quả để giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu. Cộng đồng địa phương nơi trực tiếp thực hiện các mô hình dự án được hưởng lợi từ các hoạt động dự án, tiếp cận học tập các kỹ năng làm du lịch cộng đồng, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật thông qua hỗ trợ đào tạo huấn luyện, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Đầu năm 2023, thực hiện Kế hoạch thực hiện Dự án và Hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Quyết định số 2781/QĐ-BNN-KN ngày 11/7/2023 của Bộ NN&PTNT, Cơ quan điều hành Dự án - LHH và Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND huyện Bình Sơn, UBND các xã Bình Hải và Bình Thuận tiến hành khảo sát. Đồng thời, mời chuyên gia, tổ chức, cá nhân tham gia tư vấn, hướng dẫn, tham vấn cộng đồng xây dựng Phương án và Quy chế của Tổ cộng đồng (TCĐ) tại khu vực Gành Yến và bàu Cá Cái thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái.
Tháng 8/2023, được sự cho phép của Đảng ủy, UBND xã Bình Thuận, TCĐ bảo vệ rừng ngập mặn bàu Cá Cái được thành lập gồm 45 thành viên. Đến tháng 10/2023, TCĐ bảo vệ rạn san hô Gành Yến được thành lập gồm 45 thành viên. Ngày 29/12/2023, UBND huyện Bình Sơn có Quyết định số 2270/QĐ-UBND về việc công nhận và giao quyền đồng quản lý cho TCĐ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến.
Theo Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Phan Huy Hoàng - chuyên gia đồng quản lý Dự án, vùng ven biển Bình Sơn do thiên nhiên ban tặng với hệ sinh thái đa dạng. Những hệ sinh thái này có tính đa dạng sinh học rất cao như: Hệ sinh thái san hô của Gành Yến mang tính đặc trưng của hệ sinh thái san hô với 101 loài sinh vật biển, trong đó có 40 loài mang tính chất quý hiếm, nguy cấp cần bảo vệ; hệ sinh thái rừng ngập mặn bàu Cá Cái có tính đa dạng sinh học cao, vừa về thủy sản, vừa về thực vật, các loài chim thú... Tuy chưa có Quyết định của UBND huyện giao quyền đồng quản lý cho TCĐ bảo vệ rừng ngập mặn bàu Cá Cái, nhưng trên thực tế cộng đồng đã tham gia bảo vệ, gìn giữ hệ sinh thái bàu Cá Cái gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, việc thành lập TCĐ để thực hiện việc đồng quản lý nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái và phát triển du lịch tại vùng ven biển Bình Sơn là cần thiết.
Giao quyền quản lý giúp cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với hệ sinh thái và văn hóa bản địa tạo sinh kế bền vững, là hướng đi mới xuất phát từ thực tế tình hình của địa phương và được hiểu là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không giao quản lý tài sản đất - mặt nước hoặc rừng mà chỉ giao trách nhiệm bảo vệ, tái tạo, khai thác nguồn lợi thủy sản; giúp giám sát, bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan môi trường; đồng thời phát triển sinh kế, cải thiện đời sống cho cộng đồng.
Sau một thời gian các TCĐ đi vào hoạt động tại các điểm thực hiện Dự án, cộng đồng đã chung tay cùng chính quyền địa phương phát triển sinh kế, cải thiện đời sống, nâng cao tính tự giác, tính hợp tác, liên kết, sáng tạo trong bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa tri thức bản địa địa phương. “Sau khi có quyết định thành lập, địa phương và TCĐ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ vậy, người dân đã ý thức hơn trong việc chấp hành những quy định trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định không khai thác đá vôi và chỉ khai thác rong mơ sau ngày 1/6 hằng năm”, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu cho biết.
Tổ cộng đồng bảo vệ rạn san hô Gành Yến, xã Bình Hải (Bình Sơn) phát huy vai trò đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, góp phần phát triển du lịch địa phương. Ảnh: H.H |
Các thành viên TCĐ là những người đồng quản lý hệ sinh thái và trực tiếp hưởng lợi. Anh Nguyễn Thành Cao, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải - thành viên TCĐ bảo vệ rạn san hô Gành Yến chia sẻ, hằng ngày, các thành viên trong TCĐ thay phiên túc trực để thường xuyên nhắc nhở du khách giữ gìn, bảo vệ rạn san hô. Nhờ vậy, tình trạng du khách giẫm lên san hô, bẻ nhánh san hô đã được khắc phục. Hệ sinh thái rạn san hô được bảo vệ đã góp phần giữ gìn vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp của rạn san hô ở Gành Yến, thu hút khách du lịch. Từ đó, việc kinh doanh của gia đình anh cùng các thành viên trong TCĐ được thuận lợi hơn.
Phó Chủ tịch LHH Bùi Thị Hạnh cho biết, việc thành lập TCĐ mới chỉ là bước đầu, TCĐ muốn phát triển bền vững đòi hỏi tự thân các thành viên trong TCĐ phải nâng cao năng lực, nhận thức, đoàn kết phát huy nội lực, sức mạnh cộng đồng, tạo ra những sản phẩm riêng có hình thành chuỗi sản phẩm nâng cao giá trị cộng đồng để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành cần quan tâm đến các TCĐ, hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách để họ tự vươn lên phát triển sinh kế, tập huấn kỹ năng, hỗ trợ cơ sở vật chất để TCĐ có điều kiện phát triển một cách bền vững.
Trong khuôn khổ Dự án, cơ quan chủ trì Dự án đã phối hợp với các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn cho TCĐ xây dựng Quy chế tổ chức hoạt động; đồng thời thành lập Quỹ cộng đồng. Quỹ bao gồm nhiều nguồn, trong đó, có sự đóng góp của cộng đồng, địa phương... Vì vậy, mong rằng, TCĐ sau khi đi vào hoạt động sẽ ban hành Quy chế xây dựng quỹ để mang lại giá trị thiết thực và phân chia lợi ích cho các thành viên cộng đồng, đảm bảo tính bền vững của TCĐ.
Giao quyền quản lý cho cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ hệ sinh thái là hướng đi mới đầy tiềm năng cho một tương lai bền vững, hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đây cũng là cách làm hữu hiệu để giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: