Thúc đẩy hành động vì khí hậu

14:58, 25/09/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 truyền đi thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, thúc đẩy hành động vì khí hậu, hướng đến mục tiêu giảm phát thải, bảo vệ và khôi phục tầng ozone.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Giữa tháng 9, tàu cá của ngư dân tấp nập cập cảng Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) để neo đậu, tránh trú áp thấp nhiệt đới. Sau khi neo buộc tàu, ngư dân lên bờ mang theo túi chứa các loại bao bì, lon, vỏ chai nhựa, ngư lưới cụ... để gọn vào một góc nhà làm việc của Ban Quản lý Cảng cá Sa Huỳnh.

Trưởng ban Quản lý Cảng cá Sa Huỳnh Đặng Thị Ngọc Ánh chia sẻ, trước kia, ngư dân thường vứt vỏ các loại lon, chai nhựa hoặc ngư cụ, lưới ra biển. Tuy nhiên, sau thời gian được các cấp, ngành và Ban Quản lý Cảng cá Sa Huỳnh tuyên truyền, vận động và nhận thấy tác hại của việc vứt rác ra biển nên dần dần, một số ngư dân thu gom và mang về. Việc làm này ngày càng được nhiều ngư dân thực hiện. 

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 của tháng 9.

Đến nay, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới (Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994). Qua đó, tăng cường hơn về nhận thức và hành động của toàn nhân loại đối với các vấn đề về môi trường.

Còn tại xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), lực lượng đoàn viên, thanh niên tích cực ra quân dọn vệ sinh môi trường như thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh khuôn viên trường học...

Phó Bí thư Đoàn xã Hành Thịnh Huỳnh Tấn Tài cho biết, không chỉ hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, mà hoạt động này được Đoàn xã tổ chức thường xuyên qua “Ngày Chủ nhật xanh”.

Từ đó, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong gìn giữ, bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí liên quan đến môi trường trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Trồng cây xanh là một trong những hoạt động thiết thực góp phần giảm phát thải, bảo vệ tầng ozone. 
Trong ảnh: Cán bộ và người dân xã Long Môn (Minh Long)  chăm sóc cây xanh. Ảnh: MỸ HOA
Trồng cây xanh là một trong những hoạt động thiết thực góp phần giảm phát thải, bảo vệ tầng ozone. Trong ảnh: Cán bộ và người dân xã Long Môn (Minh Long) chăm sóc cây xanh. 

Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, những năm qua, các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc thu gom, loại bỏ rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa. Điển hình là vận động ngư dân khi đánh bắt trên biển mang rác vào bờ; người dân ven biển làm sạch môi trường tại các bãi biển; khuyến khích người dân thay đổi thói quen tiêu dùng đối với các sản phẩm từ nhựa.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Trần Thị Hạ Vũ cho biết, cùng với tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, thời gian qua, chi cục tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục đẩy mạnh, lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các môn học chính khóa và hoạt động giáo dục. Qua đó, giúp học sinh thay đổi hành vi và thói quen đối với môi trường học đường; biết giữ gìn và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Bảo vệ tầng ozone

Tầng ozone bao quanh và che chắn toàn bộ Trái Đất khỏi bức xạ tia cực tím. Tuy nhiên, tháng 10/1985, các nhà khoa học Anh phát hiện thấy tầng khí ozone trên không trung Nam Cực xuất hiện một “lỗ thủng” rất lớn, bằng diện tích nước Mỹ. Điều này làm gia tăng cường độ tia cực tím tới bề mặt Trái Đất và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trước thực trạng này, ngày 16/9/1987, Nghị định thư Montreal về loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời, nhằm cụ thể hóa các cam kết về bảo vệ tầng ozone đã được các quốc gia đồng ý trong Công ước Vienna 1985. Nghị định thư Montreal đã trở thành một trong những thỏa thuận về môi trường thành công nhất cho đến hiện nay, góp phần bảo vệ và dần phục hồi tầng ozone.

Nhân viên Ban Quản lý Cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) phân loại, làm sạch các chai nhựa do ngư dân mang về từ các chuyến biển.
Nhân viên Ban Quản lý Cảng cá Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) phân loại, làm sạch các chai nhựa do ngư dân mang về từ các chuyến biển.

Cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực bảo vệ tầng ozone qua các hoạt động chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với khí hậu qua việc tái chế, tái sử dụng các chất được kiểm soát.

Đồng thời, thể chế cam kết với quốc tế qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát (Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ).

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm phát thải hơn 11 triệu tấn CO2, tiến đến đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Quốc Tân, cùng với cả nước, Sở TN&MT xây dựng và tham mưu tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch hành động giảm phát thải; đồng thời tăng cường tuyên truyền mục đích và ý nghĩa nhằm nâng cao sự hiểu biết về tầng ozone và nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ tầng ozone.

Theo đó, những hành động đơn giản để bảo vệ tầng ozone là ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng, tích cực đi xe đạp hoặc đi bộ; tiết kiệm năng lượng, nước trong nhà và nơi làm việc; giảm dùng các loại bao bì xốp, nhựa và tăng cường sử dụng các sản phẩm gia dụng có ghi trên nhãn “không có CFC - chất gây ô nhiễm tầng ozone”...

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:58, 25/09/2024

Ý kiến bạn đọc


.