Phục tráng giống nếp ngự Sa Huỳnh

17:55, 15/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trường Đại học Quy Nhơn đã thu thập, đánh giá nguồn gen và phục tráng thành công giống nếp ngự Sa Huỳnh tại xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ). Kết quả này góp phần bảo tồn, khai thác bền vững và phát triển nguồn gen cây trồng quý, có giá trị kinh tế của tỉnh.

Giống nếp quý

Nếp ngự Sa Huỳnh là giống lúa đặc sản có từ lâu đời của Quảng Ngãi và được người dân địa phương gọi với cái tên trang trọng là “nếp tiến vua”. Tuy nhiên, hiện nay giống nếp này đã và đang bị pha tạp, thoái hóa nghiêm trọng nên cần được phục tráng, bảo tồn và phát triển. Giống nếp ngự Sa Huỳnh cũng nằm trong danh mục bảo tồn và phát triển nguồn gen của Bộ NN&PTNT. Vì vậy, cần có phương án hợp lý để thu thập, phục tráng, bảo tồn và phát triển.

Trường Đại học Quy Nhơn đã triển khai điều tra, phân tích, đánh giá hiện trạng canh tác, sản xuất và thu thập, đánh giá nguồn gen giống nếp ngự Sa Huỳnh, ở xã Phổ Châu, trên diện tích 0,2ha/2  vụ. Trên cơ sở đó, tiến hành xác định nguồn gốc, định danh loài, hồ sơ hóa và lưu giữ thông tin về giống nếp ngự Sa Huỳnh tại Quảng Ngãi. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất vật liệu G1, trong nhà lưới có xử lý quang chu kỳ tại các phòng thí nghiệm khoa học cây trồng, hóa sinh, công nghệ sinh học và khu nhà lưới của Trường Đại học Quy Nhơn.

Để sản xuất vật liệu G1, nhóm nghiên cứu đã thu thập hạt giống nếp ngự Sa Huỳnh tại xã Phổ Châu và các xã lân cận của TX.Đức Phổ. Trên cơ sở đó, tiến hành phục tráng giống nếp ngự Sa Huỳnh bằng phương pháp công nghệ sinh học (điện di protein SDS-PAGE). Dựa vào kết quả điện di protein đã chọn được ít nhất 300 cá thể có mùi thơm, amylose thấp nhất và protein cao. Đem 300 cá thể được chọn trồng trong nhà lưới và tiến hành theo dõi, có 15 dòng được chọn từ tổng số 300 dòng.

Mô hình sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng G2 tại xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ).
Mô hình sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng G2 tại xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ).

Qua theo dõi cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống nếp ngự Sa Huỳnh ở vụ mùa trung bình là 97,73 ngày. Chiều cao thân trung bình là 110,05cm, chiều cao thân thấp nhất là 109,60cm và cao nhất là 114,20cm. Chiều dài bông trung bình của 15 dòng là 25,1cm, bông ngắn nhất là 24,5cm và dài nhất là 26,55cm. Độ lệch chuẩn của tính trạng này là 0,66cm và phạm vi để lựa chọn các dòng đạt yêu cầu về chiều dài bông từ 24,44 - 25,76cm. Ở chỉ tiêu số bông/khóm dao động từ 2,6 - 3,9 bông/khóm, trung bình đạt 3,33 bông/khóm, độ lệch chuẩn là 0,33 và phạm vi chọn từ 3 - 3,66 bông/khóm. Số hạt chắc/bông của các dòng nếp ngự Sa Huỳnh là chỉ tiêu có sự biến động lớn, cây thấp nhất đạt 166 hạt/bông và cây cao nhất lên đến 254 hạt/bông, trung bình đạt 219,27 hạt/bông. Các dòng nếp ngự Sa Huỳnh cho năng suất dao động từ 0,23 - 0,33kg/m2, trung bình đạt 0,29kg/m2.
Đánh giá chỉ tiêu về hạt, cảm quan cho thấy, giống nếp ngự Sa Huỳnh có kích thước hạt to, căng tròn, đẹp và các hạt trên cùng bông có độ đồng đều cao. Khối lượng 1.000 hạt của giống nếp ngự Sa Huỳnh dao động từ 30,5 - 32,9g và trung bình là 32g.

Nhiều triển vọng

Trường Đại học Quy Nhơn đã tiến hành sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng G2 ở vụ đông xuân 2023 - 2024 trên diện tích 0,5ha trên đồng ruộng tại xã Phổ Châu, với vật liệu là 10 dòng tốt nhất, mang đầy đủ các đặc điểm đặc trưng của giống được chọn ở ruộng sản xuất dòng G1. Quá trình chọn lọc và đánh giá các dòng nếp ngự Sa Huỳnh được thực hiện theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12181:2018 về Quy trình sản xuất hạt giống cây trồng tự thụ phấn. Kết quả theo dõi, đánh giá 10 dòng G2 nếp ngự Sa Huỳnh cho thấy, thời gian sinh trưởng của dòng G2 của giống nếp ngự Sa Huỳnh ở vụ đông xuân là 118 ngày. Chiều cao thân trung bình của các dòng là 116,58cm, dòng có chiều cao thân thấp nhất là 112,9cm và cao nhất là 123,91cm. Chiều dài bông dao động từ 25,47 - 27,36cm và trung bình là 26,15cm. Khối lượng 1.000 hạt thóc dao động từ 32,36 - 34,86g và trung bình là 34,13g. Năng suất thực thu trung bình các dòng đạt 0,52kg/m2, cao nhất là các dòng số N1, N18, N20 và N23 đạt 0,53kg/m2 (tương đương 53 tạ/ha).

San xuat vat lieu G1 tai phong thi nghiem Truong ĐH Quy Nhơn
Sản xuất vật liệu G1 tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Quy Nhơn.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm - Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, trong vụ mùa 2023, các cá thể đúng giống được sử dụng gieo cấy thành các dòng thế hệ G1, tiếp tục quan sát thời gian các giai đoạn sinh trưởng, cấu trúc cây, các tính trạng chất lượng và các tính trạng đặc trưng khác. Trong quá trình chăm sóc, theo dõi ruộng vật liệu, những dòng có độ thuần kém, cây sinh trưởng kém hoặc cây bị sâu bệnh hại được loại bỏ và những dòng có độ thuần cao đều được chọn để đánh giá. Vụ mùa 2023, có 10 dòng đạt tiêu chuẩn được chọn từ tổng số 15 dòng G1 theo dõi. Vụ đông xuân 2023 - 2024, có 4 dòng đạt tiêu chuẩn được chọn từ tổng số 10 dòng G2.

“Từ kết quả đạt được, chúng tôi đã phục tráng thành công giống lúa nếp ngự Sa Huỳnh và sản xuất được 300kg hạt giống siêu nguyên chủng đạt tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12181:2018 và đáp ứng được các tính trạng về hình thái cũng như các đặc điểm nông, sinh học của giống. Kết quả nghiên cứu này góp phần làm cơ sở để so sánh và chọn lọc, duy trì dòng thuần theo các đặc trưng phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen giống nếp ngự Sa Huỳnh ngoài sản xuất”, TS.Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 17:55, 15/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.