(Báo Quảng Ngãi)- Qua gần 3 năm nghiên cứu, Viện Di truyền nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã xác định được một số giống mì kháng bệnh khảm lá, có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của Quảng Ngãi.
Tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống mì mới ở xã Sơn Thủy (Sơn Hà). |
Đề tài “Tuyển chọn, nhân nhanh một số giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, năng suất cao phục vụ canh tác sắn bền vững tại tỉnh Quảng Ngãi” đã tiến hành chọn 7 giống mì (HN1, HN3, HN4, HN5, C36, C97, C48) làm thí nghiệm và đã tuyển chọn được 4 giống mì kháng bệnh khảm lá, thích hợp với điều kiện canh tác tại Quảng Ngãi gồm: HN3, HN4, HN5 và C36.
"Giống mì HN3, HN5 được trồng ở xã Sơn Thủy (Sơn Hà) có khả năng kháng được bệnh khảm lá, cho chất lượng và năng suất cao hơn so giống đại trà KM94. Địa phương mong muốn tiếp tục có được các giống mới kháng bệnh, hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn hom giống mì trên địa bàn và nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương”. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Hà ĐINH VĂN TRUNG
|
Từ kết quả tuyển chọn, đề tài hoàn thiện quy trình nhân nhanh 2 giống mì HN3, HN5 bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro và đã tạo ra 150 nghìn hom giống (90 nghìn hom giống HN5 và 60 nghìn hom giống HN3) có độ dài 10 - 20cm, có 5 - 10 mắt, đảm bảo chất lượng cho việc nhân giống giai đoạn 2 tại Quảng Ngãi. Đồng thời, sử dụng kỹ thuật nhân giống nhà màng đã tạo ra được 85 nghìn hom giống (10 nghìn hom giống HN3 và 75 nghìn hom giống HN5) tại Viện Di truyền Nông nghiệp và 75 nghìn hom giống (41 nghìn hom giống HN3, 34 nghìn hom giống HN5) để xây dựng mô hình trình diễn tại 3 huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành. Qua 2 giai đoạn nhân giống mì HN3, HN5 tại 3 huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà và Nghĩa Hành trên diện tích 18,8ha, đề tài đã thu được trên 1,7 triệu hom giống (gần 878,8 nghìn hom giống HN3 và 822,6 nghìn hom giống HN5).
Giống mì HN3 được trồng ở xã Sơn Thủy (Sơn Hà). |
Tiến sĩ Nguyễn Hải An - Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, các bộ giống mì được đưa vào khảo nghiệm tại Quảng Ngãi đã được nhập nội, khảo nghiệm tại khu vực Đông Nam Bộ và các vùng sinh thái nông nghiệp khác trên toàn quốc. Kết quả cho thấy, các bộ giống tuyển chọn ghi nhận có tính khả quan tốt, với năng suất đạt trên 30 tấn/ha, tiềm năng về hàm lượng tinh bột >27% và hoàn toàn khám bệnh khảm lá. Niên vụ 2022 - 2023, Viện Di truyền nông nghiệp đã xây dựng mô hình trình diễn trên 3 huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa và được người dân, chính quyền địa phương đánh giá tốt. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, mùa mưa kéo dài 2 - 3 tháng giữa các niên vụ sản xuất mì, nên việc lưu trữ, bảo quản, phát triển nguồn hom giống mới kháng bệnh khảm lá gặp nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh cần xây dựng vùng sản xuất giống để phục vụ tốt cho nhu cầu người dân trong các niên vụ sau, qua đó giải quyết tình trạng mì bị bệnh khảm lá trong những năm gần đây.
Tại huyện Sơn Hà, mô hình trình diễn sản xuất giống mì mới được triển khai tại thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy, với 37 hộ tham gia trồng 0,8ha giống HN3 và 4,2ha giống HN5. Kết quả, năng suất thực thu giống HN3 trung bình 36 tấn/ha và giống HN5 đạt 36,8 tấn/ha; vượt so với giống đối chứng trồng tại địa phương tương ứng lần lượt 75,87%, 79,78%. Lãi thuần khi canh tác giống mì HN3 là 49triệu đồng/ha, cao hơn so với giống đối chứng KM94 3,13 lần. Đối với giống HN5, lãi thuần thu được 51 triệu đồng/ha, cao hơn so với giống đối chứng KM94 3,26 lần. Lượng hom giống thu được là 72 nghìn hom giống HN3, 82 nghìn hom giống HN5.
Ông Đinh Tấn Ngà, ở thôn Làng Rào, xã Sơn Thủy cho biết, giống mì mới sinh trưởng và phát triển tốt, không có biểu hiện với bệnh khảm lá. Tháng 10/2023, gia đình tôi đã thu hoạch được 4.320kg trên diện tích 1.250m2, năng suất cao hơn so giống mì trước đây của địa phương, chúng tôi rất phấn khởi.
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: