(Baoquangngai.vn)- Sáng 18/7, Sở KH&CN tổ chức Hội nghị phổ biến, chuyển giao kết quả đề tài “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi, làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi” cho các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác, sử dụng.
Đề tài “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi, làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi” là đề tài KH&CN cấp tỉnh, được triển khai thực hiện từ ngày 10/7/2020 đến ngày 9/1/2023 do Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm (ĐH Huế) chủ trì. Kinh phí thực hiện hơn 2,2 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp KH&CN hơn 1,1 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị. |
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá hiện trạng và xu hướng phát triển của chăn nuôi bò lai chuyên thịt; hiện trạng chuỗi cung ứng và tiêu thụ; đánh giá đúng năng suất và chất lượng thịt của các tổ hợp bò lai hiện có ở Quảng Ngãi. Từ đó, đơn vị chủ trì đề xuất giải pháp kỹ thuật chăn nuôi phù hợp cho các tổ hợp bò lai chuyên thịt được chọn tại đại phương, thúc đẩy ngành chăn nuôi bò phát triển bền vững hơn trong thời gian đến.
Kết quả cho thấy, chăn nuôi bò lai nông hộ quy mô nhỏ ở Quảng Ngãi vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong 4 tổ hợp bò lai nghiên cứu, năng suất thịt, hiệu quả kinh tế sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp là lai BBB, lai Charolais, lai Red Angus và lai Droughtmaster.
Đại diện đơn vị chủ trì đề tài phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Sở KH&CN bàn giao toàn bộ hồ sơ, báo cáo và các tài liệu liên quan cho các cơ quan, đơn vị, gồm: Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế); Sở NN&PTNT; Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, gồm: TP.Quảng Ngãi, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Mộ Đức.
Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Thành và đại diện đơn vị chủ trì đề tài chuyển giao hồ sơ cho các đơn vị. |
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, đây là công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhiều hàm lượng khoa học, phù hợp với thực tiễn chăn nuôi bò ở Quảng Ngãi. Sau khi tiếp nhận, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm, ưu tiên kinh phí để triển khai, thực hiện; phổ biến, tập huấn lại cho người dân; phát huy được hiệu quả của đề tài, thúc đẩy ngành chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai, thực hiện, đơn vị chủ trì cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm cho đơn vị tiếp nhận.
Tin, ảnh: THIÊN HẬU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: