Năm 2025, nhiều trường đại học lớn thông báo bỏ phương án xét tuyển bằng kết quả học tập (học bạ) bậc THPT.
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thông báo không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025. Thay vào đó, trường sử dụng các phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10-20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40-50% chỉ tiêu mỗi ngành).
Với phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường dành 20-40% chỉ tiêu cho các ngành có sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70- 80% cho các ngành còn lại.
Từ năm 2025 Đại học Quốc gia TP.HCM cũng xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh đại học, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.
Ảnh minh họa. |
Với quyết định này, các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tiến tới bỏ phương thức ưu tiên xét tuyển học bạ của học sinh tại hơn 100 trường THPT trên toàn quốc (theo danh sách cập nhật hàng năm) nhằm đảm bảo công bằng và giúp thí sinh đỡ bị rối.
Năm sau, Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ.
Kể từ năm 2022 trở về trước, Đại học Bách khoa Hà Nội dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhà trường cũng đã bỏ yêu cầu này.
Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ. Lý do nhà trường đưa ra là bởi qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).
Trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Luật TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ bởi lo ngại thiếu công bằng cho các thì sinh (vì quy chuẩn thi và tính điểm ở mỗi trường THPT là khác nhau).
Trong khi đó, trường Đại học Công nghệ TP.HCM dự kiến bỏ phương án xét tuyển học bạ 3 học kỳ, giữ phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12. Theo đại diện trường, lý do điều chỉnh nhằm đảm bảo quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Cụ thể, trong dự thảo này có quy định khi xét tuyển bằng học bạ THPT phải có kết quả học kỳ II lớp 12 để các trường đánh giá đầy đủ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở bậc phổ thông, đồng thời khuyến khích các em tập trung hoàn tất và đạt kết quả tốt nhất trong năm học cuối cấp.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD&ĐT, các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu. Hiện, các trường xét sớm bằng cách dùng học bạ, chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực.... Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, việc xét tuyển sớm dẫn đến tình trạng các trường phải chuẩn bị công tác tuyển sinh từ đầu năm, các em học sinh đang học lớp 12 chạy đôn chạy đáo làm thủ tục... Tất cả đều vất vả mà hiệu quả không cao. Thống kê của Bộ GD&ĐT, cứ 8 nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng về sau nhập học, cứ 2 thí sinh trúng xét tuyển sớm thì chỉ có 1 em nhập học. Xét tuyển sớm do các trường làm độc lập, nên khi Bộ xét tuyển chung sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Nhiều ý kiến của các chuyên gia, người làm công tác tuyển sinh đề nghị bỏ xét tuyển sớm. Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ cho biết sẽ cân nhắc, xem xét nên rút ngắn tỷ lệ hay bỏ xét tuyển sớm để tạo sự công bằng. |
Theo VTC News