Tuyển sinh đại học năm 2025: Có nên bỏ phương thức xét tuyển sớm?

23:03, 19/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước có sử dụng phương thức xét tuyển sớm. Điều này đã tăng cơ hội cho thí sinh. Song, phương thức xét tuyển sớm vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, tại dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, cao đẳng ngành giáo dục mầm non vừa được Bộ GD&ĐT công bố có nhiều điểm mới đối với phương thức xét tuyển sớm.

Tăng cơ hội cho thí sinh

Luật Giáo dục ĐH đã quy định các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh. Vì vậy, những năm qua, các trường ĐH đã chủ động xây dựng phương án tuyển sinh. Trong đó, phương thức xét tuyển sớm được nhiều trường lựa chọn. Các hình thức xét tuyển sớm chủ yếu xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên.

Học sinh khối 12, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (Tư Nghĩa) trong giờ học.
Học sinh khối 12, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (Tư Nghĩa) trong giờ học.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (Tư Nghĩa) Phạm Xuân Tám, xét tuyển sớm có những mặt tích cực nhất định. Những học sinh (HS) có học lực tốt có thể chủ động trong việc học. Một số em sau khi có kết quả xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phấn đấu thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao, để có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển. Hơn nữa, các em không phải tính toán nhiều nguyện vọng đăng ký trên hệ thống xét tuyển. 

Em Kiều Thị Thúy Hằng, lớp 12A10, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa quyết định chọn Vật lý và tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT ngoài 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn). Hằng cho biết, xét tuyển sớm bằng học bạ hoặc thi đánh giá năng lực giúp em có nhiều cơ hội để chọn nguyện vọng mong muốn và giảm áp lực  nếu chỉ dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp.

Vẫn còn bất cập

Bên cạnh những ưu điểm, phương thức xét tuyển sớm cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo em Kiều Thị Thúy Hằng, HS cùng lúc phải tập trung cao độ cho kỳ thi đánh giá năng lực và học trên trường, vừa chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như làm hồ sơ thủ tục sau khi có kết quả xét tuyển sớm. Ngoài ra, HS phải chuẩn bị một khoản tài chính phục vụ cho việc tham gia các khóa học đánh giá năng lực trên mạng hay di chuyển đến tỉnh, thành phố khác để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu tham gia thi đánh giá năng lực sớm và xét tuyển vào các trường thì HS có ít cơ hội tìm hiểu về các trường ĐH khác nhau. Bởi vì, thời điểm các trường ĐH về trường hướng nghiệp thường rơi vào giai đoạn cao điểm thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực và hoàn thiện hồ sơ...

Cô giáo Nguyễn Thị Minh, dạy môn Lịch sử, Trường THPT số 1 Tư Nghĩa thì cho rằng, phương thức xét tuyển sớm cũng gây nhiều khó khăn cho giáo viên. Trong đó, các trường công bố kết quả sớm nên nhiều HS sao nhãng trong học tập. Từ đó làm ảnh hưởng đến việc dạy học của giáo viên và những HS còn lại. Hơn nữa, giáo viên và phụ huynh khó khăn trong việc định hướng cho HS chọn trường, chọn ngành nghề trong tương lai.
Nhiều trường chỉ xét từ 3 - 5 học kỳ, nghĩa là các trường bỏ xét điểm học kỳ II của lớp 12 khiến học sinh lơ là học tập, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục phổ thông. Điều này còn khiến chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ít, đẩy điểm chuẩn lên rất cao, tạo ra sự mất công bằng trong cơ hội được vào các trường ĐH tốt của thí sinh.

Cần điều chỉnh phù hợp
Hiện nay, một số trường ĐH bỏ phương thức xét tuyển sớm. Song thầy Phạm Xuân Tám nhấn mạnh, các trường không nên bỏ phương thức xét tuyển sớm vì phương thức này được nhiều trường ĐH ở các nước áp dụng. Tuy nhiên, các trường cần cân nhắc đưa ra chỉ tiêu thấp nhất có thể cho phương thức xét tuyển sớm để hạn chế kết quả ảo, tránh bệnh thành tích và tạo điều kiện cho những em thực sự giỏi có kết quả đúng với nguyện vọng.

Cùng quan điểm nêu trên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Nghĩa Hành (Nghĩa Hành) Chu Anh Tuấn ủng hộ việc các trường nên duy trì phương thức xét tuyển sớm. Vì đây cũng là một trong những phương thức xét tuyển có thể đánh giá đầu vào một cách toàn diện dựa trên kết quả trong quá trình rèn luyện, học tập, tham gia phong trào của HS trong 3 năm học cấp THPT. Để hạn chế một số bất cập như hiện nay, các trường ĐH nên xem xét tỷ lệ xét tuyển sớm sao cho hài hòa, hợp lý, khoa học với các phương thức xét tuyển khác. Đồng thời, cần xét điểm của cả 6 học kỳ như dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, cao đẳng ngành giáo dục mầm non vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

Ngoài các môn trong tổ hợp xét tuyển, các trường cần xét thêm tiêu chí xếp loại học lực, rèn luyện trong 3 năm. Đồng thời, cộng điểm khuyến khích cho những em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Các trường cân nhắc công bố kết quả cho thí sinh vào thời điểm phù hợp để khắc phục những hạn chế của phương thức xét tuyển sinh sớm.

Bài, ảnh: DUY HÙNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 23:03, 19/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.