(Báo Quảng Ngãi)- Ba mươi năm qua là ngần ấy thời gian các thế hệ cán bộ, giáo viên ở huyện Sơn Tây đã cống hiến tuổi thanh xuân, miệt mài mang con chữ đến với học trò vùng cao. Vượt qua nhiều khó khăn, ngành giáo dục huyện Sơn Tây đã đạt nhiều thành tựu nổi bật trong sự nghiệp “trồng người”.
Thành quả từ gian khó
Sau khi tái lập huyện, ngành giáo dục huyện Sơn Tây được thành lập vào ngày 12/9/1994. Lúc bấy giờ, công tác dạy và học đối diện với nhiều khó khăn. Toàn huyện chỉ có 4 điểm trường tiểu học tạm bợ, với vỏn vẹn 39 cán bộ quản lý, giáo viên. Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giáo viên ở huyện Sơn Tây đã đồng lòng vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đưa ngành GD&ĐT huyện ngày càng phát triển.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học&THCS Sơn Tân (Sơn Tây) được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương. |
Hiện nay, toàn huyện có 19 trường học mầm non đến THCS, với 7 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Từ chỗ thiếu phòng học, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, sau nhiều năm huy động các nguồn lực đầu tư, huyện đã xây dựng được 261 phòng học. Các trường được đầu tư xây dựng kiên cố, các phòng chức năng, thư viện đạt chuẩn, thiết bị phục vụ dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. Năm học 2000 - 2001, huyện Sơn Tây đã xóa được "điểm trắng" về giáo dục mầm non và mở rộng quy mô phát triển các loại hình nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo đến tận các thôn, làng xa xôi của huyện. Năm 1994, toàn huyện chỉ có trên 400 học sinh (HS) tiểu học, thì đến nay đã phát triển gần 5.790 HS ở 3 bậc học. Công tác ăn, ở bán trú cho HS được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho HS ở địa bàn vùng sâu, vùng xa yên tâm học tập. Các trường đảm bảo đủ phòng học, tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Nhiều trường được xây dựng khang trang, kiên cố như: Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng, Trường Mầm non Hoa Pơ Niêng, Trường Mầm non Sơn Tân... Năm 2021, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học &THCS Sơn Tân được đầu tư xây dựng hơn 11,5 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây trong giờ chào cờ. |
Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là khâu then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Sơn Tây đã từng bước phát triển đội ngũ nhà giáo. Toàn huyện hiện có hơn 610 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại 19 trường học. Ngành luôn tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ, trau dồi kiến thức, kỹ năng sư phạm. Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt chuẩn và vượt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Nhiều nhà giáo là cán bộ quản lý giỏi, nhiều thầy, cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, được cấp trên tặng thưởng các danh hiệu thi đua.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng trong giờ thực hành môn tin học. |
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Minh Anh cho biết, là huyện miền núi, khởi đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, sau 30 năm thành lập, ngành GD&ĐT của huyện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2015, huyện được công nhận phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Năm 2008, huyện được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và THCS. Huyện đã có HS đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, tỷ lệ HS thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày một tăng. Thành quả mà giáo dục mang lại ở huyện vùng cao Sơn Tây trong hành trình 30 năm qua không chỉ là dạy chữ, mà còn là việc nâng cao nhận thức của đồng bào Ca Dong về tầm quan trọng của việc học, từ đó quan tâm, tạo điều kiện để con em đến trường. Các thế hệ thầy, cô giáo đã dành trọn tuổi thanh xuân, không quản nắng, mưa, trèo đèo, lội suối đi vào các ngôi làng vận động HS ra lớp, mang ánh sáng tri thức đến với người dân, HS vùng sâu vùng xa; tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao nhận thức về lợi ích của sự nghiệp "trồng người".
"Thành quả mà giáo dục mang lại ở huyện vùng cao Sơn Tây trong hành trình 30 năm qua không chỉ là dạy chữ, mà còn là việc nâng cao nhận thức của đồng bào Ca Dong về tầm quan trọng của việc học, từ đó quan tâm, tạo điều kiện để con em đến trường. Các thế hệ thầy, cô giáo đã dành trọn tuổi thanh xuân, không quản nắng, mưa, trèo đèo, lội suối đi vào các ngôi làng vận động HS ra lớp, mang ánh sáng tri thức đến với người dân, HS vùng sâu vùng xa; tuyên truyền cho cộng đồng nâng cao nhận thức về lợi ích của sự nghiệp "trồng người"". Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây NGUYỄN MINH ANH |
“Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian đến, ngành giáo dục huyện tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; củng cố và phát triển hiệu quả mô hình bán trú cho HS để các em có điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập. Ngành giáo dục huyện tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác giáo dục...”, ông Nguyễn Minh Anh nhấn mạnh.
Vùng cao Sơn Tây đang từng ngày đổi thay. Sự đổi thay ấy có sự đóng góp không nhỏ của công tác giáo dục. Niềm vui ấy được hiện hữu trong từng gia đình, trong từng em nhỏ ngày ngày tung tăng đến trường. Rồi mai đây, chính thế hệ tương lai này sẽ góp sức xây dựng quê hương Sơn Tây ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: