(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều học sinh ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi có hoàn cảnh khó khăn, nên đến lớp không thường xuyên, bỏ học giữa chừng. Trước thực trạng này, các thầy, cô giáo đã dành tình yêu thương, đồng hành cùng học sinh trong học tập và cuộc sống, giúp các em vượt qua nghịch cảnh và chắp cánh cho những ước mơ.
Ở huyện Sơn Hà có một phong trào của ngành giáo dục được lan tỏa mạnh mẽ suốt 8 năm qua, đó là “Giáo viên (GV) nhận đỡ đầu học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, học yếu, có nguy cơ bỏ học”. Từ phong trào này, không chỉ hàng nghìn HS được giúp đỡ, mà trên hết, đội ngũ nhà giáo đã trở thành tấm gương cho các em về nhân cách, nghĩa cử cao đẹp, biết dang rộng vòng tay che chở những mảnh đời bất hạnh.
Năm học 2018 - 2019, cô giáo Bùi Thị Hồng Thủy được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Bao (Sơn Hà). Từ đó đến nay, cô giáo Thủy cùng với các GV tiếp nhận đỡ đầu HS theo phong trào “52 GV đỡ đầu 52 HS” của trường. Đến nay, cô giáo Thủy đã nhận đỡ đầu 7 HS. “Phong trào rất ý nghĩa. Các thầy, cô giáo hiểu được hoàn cảnh của từng em để kịp thời sẻ chia, hỗ trợ các em tiếp tục đến trường”, cô Thủy thổ lộ.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Thủy, Trường Tiểu học và THCS Sơn Bao (Sơn Hà), cùng các học trò của mình. Ảnh: TP |
Cô Thủy nhớ lại, trong số những HS do tôi đỡ đầu, trường hợp em Đinh Văn Ngầu, lớp 5B (năm học 2023 - 2024), do tôi chủ nhiệm rất đáng thương. Ngầu có 3 anh em. Các em mồ côi mẹ, cha thì đi lấy vợ khác ở huyện Ba Tơ, nên ở cùng ông, bà ngoại. Thỉnh thoảng, Ngầu được ông ngoại chở đến thăm cha, rồi được cho tiền về trang trải cuộc sống thường ngày. Nhưng số tiền ít ỏi đó cũng không thấm là bao, bởi anh trai Ngầu bị bệnh tim bẩm sinh.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Thủy, Trường Tiểu học và THCS Sơn Bao (Sơn Hà) cùng các học trò của mình. |
Thấu hiểu hoàn cảnh của em, cô giáo Thủy cùng chính quyền địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để Ngầu tiếp tục đến trường. “Những hôm thấy em vắng học, tôi rất lo lắng, đến nhà thì hay tin em theo ông ngoại đến huyện Ba Tơ để gặp cha. Thương em lắm! Vậy nên, tôi thường xuyên gần gũi, động viên và kịp thời hỗ trợ em đồ dùng học tập, quần áo. Đến Tết, tôi có món quà nhỏ để em được đón năm mới đầm ấm bên gia đình vốn thiếu hơi ấm của cha mẹ”, cô Thủy bày tỏ.
Trường Tiểu học và THCS Sơn Bao có 6 điểm trường. Mỗi năm, GV được phân công giảng dạy ở mỗi điểm trường khác nhau. Em Ngầu đã lên lớp 6, nhưng cô giáo Thủy vẫn luôn dõi theo, giúp đỡ cậu học trò trầm tính, ít nói.
Cô giáo Đinh Thị Hương cùng học sinh lớp 2R, Điểm trường xóm Reng, Trường Tiểu học Sơn Hạ số II (Sơn Hà) trong giờ học. |
Trong cơn mưa chiều se lạnh giữa mùa đông, tại Điểm trường xóm Reng, Trường Tiểu học Sơn Hạ số II (Sơn Hà), hàng chục HS lớp 2 và lớp ghép 3 - 4 lần lượt ra về sau giờ học. Khi HS cuối cùng rời khỏi điểm trường, cô giáo Đinh Thị Hương - chủ nhiệm lớp 2R, mới lấy chiếc áo mưa được treo ngăn nắp ngoài cửa lớp choàng vào. Đôi chân thoăn thoắt, cô Hương tranh thủ đến nhà ông, bà nội của em Nguyễn Ngọc Thiên - lớp 2R. Thiên là trường hợp do cô Hương nhận đỡ đầu trong năm học 2024 - 2025.
Cô giáo Đinh Thị Hương - chủ nhiệm lớp 2R, Trường Tiểu học Sơn Hạ số II (Sơn Hà) luôn đổi mới trong phương pháp giảng dạy để thu hút học sinh. |
Vừa đi, cô Hương vừa kể, phong trào “GV nhận đỡ đầu HS có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, học yếu, có nguy cơ bỏ học” được Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà triển khai từ năm học 2016 - 2017. Nhưng trước đó, từ ngày gắn bó với nghề giáo, lại là người địa phương, cô Hương hiểu tường tận từng hoàn cảnh của HS, nên đã làm nhiều việc để hỗ trợ HS, từ gói mì ăn liền đến bộ quần áo hay chiếc áo ấm, đôi dép... Đến khi Phòng GD&ĐT huyện triển khai phong trào, nhiều HS khó khăn đã được cô Hương nhận đỡ đầu. Năm nay, cô Hương chọn đỡ đầu em Thiên - HS của lớp do cô chủ nhiệm. Ngoài những tiết dạy trên lớp, cô Hương tranh thủ thời gian đến nhà để thông tin tình hình học tập của Thiên, vừa phụ đạo thêm để em nắm vững kiến thức.
Đến nơi, người ướt nhẹp, cô giáo Hương vẫn nở nụ cười trên môi, lễ phép chào hỏi ông, bà nội của Thiên, rồi ngồi cạnh bếp lửa để hơ khô bộ quần áo trên người. Trong ngôi nhà nhỏ, cô giáo người đồng bào dân tộc Hrê đã có cuộc trò chuyện thân tình với ông, bà nội Thiên. “Thiên mồ côi ba từ khi được 5 tháng tuổi. Mẹ cháu thì đã có cuộc sống bên gia đình mới. Từ đó, cháu sống với vợ chồng tôi. Nhưng chúng tôi cũng đã ngoài 70 tuổi, chi phí sinh hoạt thường ngày chỉ dựa vào việc bán mấy con heo với vài con gà. Thông qua phong trào GV đỡ đầu HS, cháu Thiên được cô giáo quan tâm, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Cô Hương còn tận tâm hướng dẫn cháu học tập tiến bộ hơn mỗi ngày”, ông Nguyễn Văn Thiệt, ông nội của Thiên, bộc bạch.
Với tình yêu thương, sự chia sẻ, đồng cảm của thầy, cô giáo đã giúp hàng nghìn HS có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường. Mỗi em có một hoàn cảnh, một tính cách riêng. Các thầy, cô giáo là những người gần gũi, hiểu HS cần giúp đỡ gì và có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Đối với HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thì nhà trường huy động nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. Học sinh cá biệt, chậm tiến thì GV phối hợp với phụ huynh để có biện pháp tâm lý giáo dục.
Tổng phụ trách Đội Trường THCS Sơn Thượng (Sơn Hà) Võ Duy Phúc luôn tận tình dạy dỗ em Đinh Văn Khoang. |
Em Đinh Văn Khoang, lớp 6A, Trường THCS Sơn Thượng (Sơn Hà), có hoàn cảnh rất khó khăn. Mẹ Khoang đi làm ăn xa, cha có gia đình mới, em ở với dì. Đầu năm học này, em được thầy giáo Võ Duy Phúc - Tổng phụ trách Đội nhà trường nhận đỡ đầu. Không những được kèm cặp, chỉ bảo việc học, Khoang còn được tặng quần áo, sách vở và cặp sách. “Chiếc cặp sách cũ của con đã rách. Con rất vui vì được thầy Phúc tặng cặp sách mới. Thầy luôn quan tâm chia sẻ với con...”, Khoang bộc bạch.
Em Đinh Văn Khoang, cô giáo và các bạn cùng lớp. |
Nhiều năm qua, không chỉ giúp đỡ cho HS được nhận đỡ đầu, thầy giáo Võ Duy Phúc còn đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Nhờ đó, nhiều em có nguy cơ bỏ học đã quay trở lại trường. Thầy Phúc tâm sự, mặc dù bản thân không làm công tác chủ nhiệm, song tôi luôn phối hợp với GV chủ nhiệm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em để kịp thời giúp đỡ những điều các em cần. Nhiều năm công tác ở miền núi, tôi thấu cảm với những HS có mảnh đời bất hạnh. Tôi hạnh phúc khi nhìn HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vượt qua nghịch cảnh để đi học chuyên cần.
Em Đinh Văn Khoang, lớp 6A, Trường THCS Sơn Thượng (Sơn Hà) được tặng cặp sách mới. |
Hình thức đỡ đầu HS rất đa dạng, cả về tinh thần lẫn vật chất, tùy vào hoàn cảnh của từng em mà GV đóng góp, vận động các nguồn lực hỗ trợ phù hợp. Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Thượng Nguyễn Văn Thành cho biết, cùng với phụ đạo thêm kiến thức cho các em ngoài giờ lên lớp, GV còn thường xuyên động viên, chăm lo, mua sắm cho các HS từ tập vở, cây bút đến quần áo. Nhiều GV tranh thủ thời gian đến nhà kiểm tra bài. Đặc biệt, đối với những em đứng giữa ranh giới của việc tiếp tục đến trường hay bỏ học giữa chừng, GV kịp thời nắm bắt tâm tư để hỗ trợ các em. Sau nhiều năm thực hiện, phong trào đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu tình trạng HS bỏ học giữa chừng.
Cô giáo Đinh Thị Hương - chủ nhiệm lớp 2R, Trường Tiểu học Sơn Hạ số II (Sơn Hà) đến nhà phụ đạo cho em Nguyễn Ngọc Thiên. |
Sau 8 năm triển khai, phong trào “GV nhận đỡ đầu HS có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, học yếu, có nguy cơ bỏ học” vẫn tiếp tục được các thế hệ thầy, cô giáo ở huyện miền núi Sơn Hà hưởng ứng mạnh mẽ. Thầy, cô giáo đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng HS trên những đoạn đường gập ghềnh, gian nan phía trước...
Kỳ cuối: Người địa phương “gieo hạt” cho quê hương
Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG - X.THIÊN
Trình bày: VÕ VĂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: