Thầy giáo Lê Đức Hiền - Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT số 1 Đức Phổ (TX.Đức Phổ), là tấm gương điển hình trong phong trào “Học không bao giờ cùng” của trường.
Luôn sáng tạo, tìm tòi, tiếp cận các phương pháp dạy học mới, thầy Hiền đã truyền ngọn lửa đam mê Toán học đến với nhiều thế hệ học sinh. Thầy là tác giả của 25 đề tài sáng kiến; trong đó, có 22 đề tài được Sở GD&ĐT công nhận, 2 đề tài cấp tỉnh và 1 đề tài đang thực hiện. Thầy Hiền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 3 lần được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động giảng dạy.
Thầy giáo Lê Đức Hiền - Trường THPT số 1 Đức Phổ (TX.Đức Phổ) luôn tự tìm tòi, học hỏi để đổi mới, nâng cao chất lượng bài giảng. Ảnh: D.HÙNG |
“Tôi tham gia tất cả các đợt tập huấn chuyên môn do các cấp, ngành tổ chức, để tiếp thu kiến thức mới. Đặc biệt, tôi luôn tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để tự học. Tôi thường xuyên tham gia các diễn đàn trên mạng, các hội nhóm để trao đổi chuyên môn; đồng thời liên hệ với các nhóm tác giả để hiểu rõ về Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, tôi nghiên cứu thêm một số tài liệu nước ngoài phù hợp với chương trình của mình để đưa vào giảng dạy”, thầy Hiền chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Trần Đức Minh, xây dựng xã hội học tập trong thời đại số là yêu cầu cấp thiết. Đặc biệt, hội khuyến học các cấp cần ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, đánh giá các mô hình học tập. Quảng Ngãi hiện có 95 nghìn công dân học tập, chiếm 19% dân số toàn tỉnh. So với các tỉnh, thành phố lân cận, thì tỷ lệ công dân học tập của Quảng Ngãi còn thấp. Trong thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, đổi mới trong tổ chức hoạt động của các cấp hội. Bên cạnh đó, việc đầu tư kinh phí để đẩy mạnh công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào xây dựng xã hội học tập trong thời đại số.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng xã hội học tập đòi hỏi phải có kinh phí. Vì vậy, tỉnh cần ưu tiên phân bổ kinh phí hỗ trợ, đầu tư cho Hội Khuyến học tỉnh triển khai xây dựng mô hình công dân học tập; đồng thời quan tâm đến chế độ của người làm công tác khuyến học nhằm khuyến khích, động viên tinh thần để tiếp tục phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong thời đại số.
D.HÙNG - N.NHÃ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: