Loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên

16:05, 15/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm nay, tình trạng thiếu giáo viên (GV) trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được giải quyết rốt ráo, phần nào ảnh hưởng đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhà trường và giáo viên đều gặp khó

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) vẫn còn thiếu 8 GV so với quy định. Theo đó, toàn trường có 24 lớp, với hơn 1.100 học sinh (HS), nhưng chỉ có 36 GV. Dù vậy, trường vẫn phải đảm bảo kế hoạch giảng dạy theo khung kế hoạch thời gian năm học. “Dù có khó khăn thế nào thì trường vẫn phải đảm bảo chương trình. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm để các thầy, cô giáo chia sẻ những khó khăn cùng nhà trường. Nhà trường bố trí GV dạy tăng tiết ở các môn học như Toán, Ngữ văn, Lịch sử - Giáo dục công dân... Trung bình mỗi GV dạy tăng từ 4 - 5 tiết/tuần”, Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Lộ Hồ Quang Bình cho hay.

Theo định mức được phân công, mỗi GV bậc THCS dạy 19 tiết/tuần, nhưng vì trường thiếu GV nên thầy giáo Đàm Thanh Hiếu - dạy môn Lịch sử - Giáo dục công dân (Trường THCS Chánh Lộ) phải dạy tăng 6 tiết/tuần. “Trung bình, mỗi GV Lịch sử - Giáo dục công dân của trường phải dạy tăng từ 5 - 6 tiết để đảm bảo đủ số tiết của môn học ở các lớp. Điều này rất áp lực cho GV, song chúng tôi phải cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thầy Hiếu bộc bạch.

Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) phấn đấu nâng chuẩn mức độ 2. Theo đó, trường phải chia lớp để đảm bảo sĩ số dưới 40 em/lớp theo quy định của chuẩn mức độ 2. Tuy nhiên, nếu chia lớp theo sĩ số HS/lớp theo quy định của chuẩn mức độ 2 thì trường tăng từ 37 lớp lên 41 lớp. Điều này khiến nhà trường thiếu khoảng 17 GV ở tất cả các môn học. Vì vậy, mục tiêu đạt chuẩn mức độ 2 của trường vẫn chưa thực hiện được.

Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) thiếu 8 giáo viên. 
Trong ảnh: Cô và trò Trường THCS Chánh Lộ trong giờ học.
Năm học 2024 - 2025, Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) thiếu 8 giáo viên. Trong ảnh: Cô và trò Trường THCS Chánh Lộ trong giờ học.

Hiện nay, Trường THCS Trần Phú có 37 lớp, với trên 1.600 HS. Các GV đều dạy vượt định mức số tiết/tuần để đảm bảo tiến độ các môn học. Đồng thời, trường còn hợp đồng thêm 5 GV giảng dạy. Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc THCS có 2 môn học mới là Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục địa phương. Nhà trường gặp khó khăn trong việc triển khai 2 môn học này do thiếu GV. Bên cạnh đó, một số GV dạy không đúng môn được đào tạo phần nào gây khó khăn cho GV. “Mặc dù ngành GD&ĐT đưa ra giải pháp ký hợp đồng với GV để đảm bảo yêu cầu nhưng trên thực tế, hợp đồng với GV là rất khó. Bởi vì, mức chi trả hợp đồng rất thấp nên không thu hút GV. Ngoài ra, GV dạy hợp đồng sẽ khó đảm bảo về chất lượng vì không có sự ràng buộc. Do đó, nhà trường đã thống nhất tạm thời dừng kế hoạch đánh giá công nhận đạt chuẩn mức độ 2”, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú Mai Anh Tuấn chia sẻ.

Hiện nay, GV bình quân trên lớp chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, ở các huyện miền núi còn thiếu nhiều GV môn Mỹ thuật, Âm nhạc, tiếng Anh, Tin học và Công nghệ gây khó khăn trong lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Giải pháp tạm thời

Năm học 2024 - 2025, TP.Quảng Ngãi có 76 trường mầm non, tiểu học và THCS, với hơn 1.500 lớp. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đã ký hợp đồng với 110 GV. “Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học cho từng cấp học. Trong đó, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên cơ sở số lớp, số GV được giao và GV hiện có để ký hợp đồng với GV”, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Kiểm cho hay.

Hợp đồng GV là một trong những giải pháp tạm thời của ngành giáo dục. Bởi lẽ, việc hợp đồng GV sẽ dẫn đến những hạn chế nhất định như không bị ràng buộc và mức chi trả thấp nên hầu như chỉ dạy đủ số tiết quy định và không tham gia các hoạt động khác của trường, làm ảnh hưởng đến các hoạt động của trường. “Trường thiếu GV tiểu học nhiều năm nay. Năm học này, trường thiếu 2 GV tiểu học và 1 GV Giáo dục thể chất. Trường hợp đồng 3 GV để đảm bảo hoạt động giảng dạy. Song, trường ở xa trung tâm thành phố nên GV hợp đồng cũng không mấy mặn mà. Nhà trường phải phân công thời khóa biểu hợp lý để thuận lợi cho GV giảng dạy", Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trần Văn Trà (TP.Quảng Ngãi) Đỗ Việt Tùng nói.

Những năm qua, nhiều trường thường phân công GV dạy liên trường để khắc phục tình trạng thừa - thiếu GV cục bộ. Song, sau nhiều năm thực hiện, giải pháp này đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Long Nguyễn Thị Thu Hiền, GV được phân công dạy ở nơi khác sẽ không thể nắm được từng đối tượng HS dẫn đến không có sự quan tâm sâu sát. Trên thực tế, GV công tác ở một đơn vị nhất định sẽ chuyên tâm hơn; đồng thời, GV ổn định về mặt tư tưởng và tâm huyết gắn bó hơn khi dạy liên trường. Vì vậy, ngành GD&ĐT huyện Minh Long đã ngừng thực hiện giải pháp phân công GV dạy liên trường. 

Sớm tuyển dụng giáo viên

Đầu tháng 9/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng GV năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất tuyển dụng 743 chỉ tiêu cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, mầm non tyuển 138 chỉ tiêu, tiểu học 347 chỉ tiêu, THCS 150 chỉ tiêu và THPT 108 chỉ tiêu.

Việc tuyển dụng GV tại UBND các huyện, thị xã, thành phố theo hình thức xét tuyển. Riêng việc tuyển dụng GV cho các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GD&ĐT giao Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định theo phân cấp và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên tuyển dụng GV theo chính sách thu hút tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Các huyện miền núi được phép tuyển dụng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện không quá 40% chỉ tiêu tuyển dụng (nếu có nhu cầu). Việc tuyển dụng chỉ tiêu người dân tộc thiểu số phải được xác định cụ thể trong kế hoạch tuyển dụng, bảng tổng hợp nhu cầu tuyển dụng và niêm yết công khai để thí sinh được biết trước khi nộp hồ sơ dự tuyển. Trường hợp không đủ chỉ tiêu người dân tộc thiểu số, các địa phương tuyển dụng thí sinh khác thi cùng vị trí việc làm và lấy kết quả từ cao xuống thấp để đảm bảo chỉ tiêu tuyển dụng.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:05, 15/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.