(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi người một công việc, nhưng ở họ có cùng một điểm chung, đó là nỗ lực học tập để trau dồi kỹ năng, bồi đắp tri thức để hoàn thành tốt công việc của mình. Đó là những tấm gương tiêu biểu được nhận học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ II - năm 2024, do Hội Khuyến học tỉnh tổ chức, vào đầu tháng 10/2024.
Không ngừng học để chăm sóc sức khỏe nhân dân
Gần 30 năm gắn bó với nghề y, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh, luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra những phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học (ĐH) Y - Dược (ĐH Huế), bác sĩ Tuyến về công tác tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Để nâng cao trình độ chuyên môn, bác sĩ Tuyến tiếp tục hoàn thành các khóa đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và là tiến sĩ y khoa đầu tiên của Quảng Ngãi từ năm 1975 đến nay. Không dừng lại đó, bác sĩ Tuyến tiếp tục tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ, cử nhân luật kinh tế và học các chương trình chuyên ngành khác...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh hướng dẫn kỹ thuật viên xét nghiệm y học. Ảnh: TR.ÂN |
Năm 2017, bác sĩ Tuyến được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý BVSN tỉnh. Số lượng nhân viên lúc bấy giờ chỉ có 203 người; trong đó có 43 bác sĩ trong 2 khoa thuộc hệ sản và nhi tách từ BVĐK tỉnh, rất ít bác sĩ chuyên khoa và thạc sĩ. Đến nay, BVSN tỉnh ngày một phát triển, với 600 nhân viên, 157 bác sĩ. Cơ sở vật chất được chú trọng. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao, mang lại niềm tin cho người dân trong tỉnh. Bệnh viện còn được nhiều cơ sở y tế ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm như: Bệnh viện Cuba Đồng Hới (Quảng Bình), Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Phụ sản - Nhi (Quảng Nam), Bệnh viện 199 (Bộ Công an), BVĐK tỉnh Kon Tum... “Để có được kết quả đó, tôi cùng với đội ngũ y, bác sĩ đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến khoa học, nâng cao chất lượng chuyên môn, chú trọng công tác khám và điều trị hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các đề tài nghiên cứu góp phần tăng tỷ lệ điều trị thành công, góp phần giảm tải cho tuyến trên và hạn chế chi phí cho người bệnh”, bác sĩ Tuyến chia sẻ.
Trong những đề tài, sáng kiến của bác sĩ Tuyến phải kể đến đề tài nghiên cứu khoa học: “Chữa bệnh trĩ bằng phương pháp Longo”. Đề tài được ứng dụng vào thực tiễn từ năm 2018, không chỉ chữa trị cho hàng trăm ca bệnh tại BVSN tỉnh, mà còn chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến huyện như BVĐK khu vực Đặng Thùy Trâm (TX.Đức Phổ), Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức, Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh.
Theo bác sĩ Tuyến, phẫu thuật trĩ theo phương pháp Longo có nhiều ưu điểm như ít đau, ít mất máu, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Phương pháp này hiệu quả cao cho bệnh nhân bị bệnh trĩ độ 2 và 3. Vị trí phẫu thuật có ít dây thần kinh cảm giác nên hạn chế được cảm giác đau đớn cho người bệnh. Hiện nay, số ca mổ trĩ tại BVSN tỉnh theo phương pháp Longo đều thành công 100%.
Bên cạnh đó, BVSN tỉnh luôn chú trọng về đào tạo cho viên chức, người lao động. Với vai trò người đứng đầu bệnh viện, bác sĩ Tuyến luôn khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng tham gia các khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II, thạc sĩ, điều dưỡng chuyên khoa I... Nhờ vậy, nhiều năm liền, BVSN tỉnh là ngọn cờ đầu của tỉnh về điểm chất lượng theo tiêu chí của Bộ Y tế. Đội ngũ y, bác sĩ BVSN tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới ngang tầm bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt như: Nuôi trẻ sinh non 600g, thở máy cao tầng, lọc máu điều trị suy đa phủ tạng, thụ tinh nhân tạo, siêu âm tim thai, mổ sứt môi chẻ vòm, chỉnh nha, nội soi phế quản, nội soi dạ dày tá tràng, đại tràng...
Truyền cảm hứng học tập cho học trò
Với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh - dạy môn Hóa học, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Nghĩa Hành), được trở lại ngôi trường nơi mình từng theo học để giảng dạy là một trong những điều tuyệt vời nhất. Cô Minh nhớ lại, năm 2016, tôi tốt nghiệp ngành sư phạm Hóa học, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định). Tôi may mắn được về công tác tại Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng - ngôi trường tôi đã từng theo học thuở niên thiếu. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, tôi tự nhủ sẽ luôn nỗ lực để truyền đạt cho học trò kiến thức tích lũy được thông qua những tiết học lý thú và bổ ích. Bên cạnh đó, tôi không ngừng học hỏi từ các đồng nghiệp và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 2020, tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ chuyên ngành Hóa học.
Niềm vui lớn nhất đối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Minh, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (Nghĩa Hành) là thành tích mà học trò của mình đạt được. Ảnh: TR.PHƯƠNG |
Tự học, tự nghiên cứu để lĩnh hội tri thức là điều quan trọng đối với mỗi nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Hơn nữa, mỗi thầy, cô giáo luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy, cô giáo Minh luôn phấn đấu, trau dồi nâng cao năng lực chuyên môn, tự trang bị những kiến thức và kỹ năng mới, đam mê nghiên cứu khoa học.
Những nỗ lực ấy đã giúp cô Minh gặt hái “quả ngọt”. Cô Minh vinh dự được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 5 năm liền, được UBND tỉnh tặng Bằng khen và 1 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Song, với cô Minh, niềm vui và hạnh phúc là được nhìn thấy học trò đạt nhiều thành công từ sự nỗ lực. Nhiều năm liên tiếp, cô Minh được phân công bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi các cấp và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Không chỉ giúp học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi, cô Minh còn truyền cảm hứng cho các em về tinh thần tự học, tự nghiên cứu, luôn nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.
TR.PHƯƠNG - TR.ÂN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: