Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

18:08, 05/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh (HS) tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn 2) trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, tạo thuận lợi để HS học tập, lĩnh hội tri thức.

Giúp trẻ thành thạo tiếng Việt

Những ngày hè, Trường Tiểu học Thanh An (Minh Long) đã mở lớp dạy tăng cường tiếng Việt cho HS chuẩn bị vào lớp 1. Cô giáo đứng lớp tận tình hướng dẫn các em HS phát âm tiếng Việt cho đúng chuẩn. Em Đinh Thị Mỹ Trà, là HS người Hrê phấn khởi khoe, em được cô giáo dạy chữ, dạy những nét viết cơ bản. Em đã có thể hát bằng tiếng Việt và được vui chơi với các bạn. Về nhà, em cũng tập nói tiếng Việt nhiều hơn thay vì nói tiếng mẹ đẻ như trước đây.

Giáo viên Trường Tiểu học Thanh An (Minh Long) hướng dẫn học sinh cách cầm bút, viết chữ.
Giáo viên Trường Tiểu học Thanh An (Minh Long) hướng dẫn học sinh cách cầm bút, viết chữ.

Theo cô giáo Trần Thị Kim Anh, khó khăn nhất trong việc dạy trẻ DTTS là các em chưa nói rõ tiếng Việt. Hầu như ở nhà, các em chỉ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, giáo viên phải vừa sử dụng tiếng Việt, vừa sử dụng tiếng đồng bào DTTS để các em hiểu nội dung bài học. Sau 4 tuần tham gia lớp học, các em đã cải thiện khả năng nói tiếng Việt, nhận biết các chữ cái, con số...

Thực hiện Quyết định số 488/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và HS tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh, những năm qua, UBND huyện Minh Long đã tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và HS tiểu học vùng DTTS trên địa bàn huyện. Mục tiêu là giúp trẻ có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tiểu học. Từ đó, tạo tiền đề để trẻ học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long Nguyễn Văn Bảy cho biết, Phòng GD&ĐT huyện đã có sự chỉ đạo sát sao, các trường tổ chức thực hiện bài bản, cùng sự nhiệt tình của đội ngũ giáo viên đã trang bị cho các em HS người DTTS những kiến thức cần thiết để vào lớp 1, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Chị Đinh Nhật An, có con vào lớp 1, năm học 2024 - 2025 tại Trường Tiểu học Thanh An chia sẻ, hằng ngày, tôi chở con đến trường để được học tăng cường tiếng Việt. Con được giao tiếp với cô giáo và bạn bè nên kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt tiến bộ rõ rệt. Sau vài tuần, con đã thuộc bảng chữ cái và nhận biết các con số; đồng thời thuộc nhiều bài hát bằng tiếng Việt...

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Ngoài việc dạy trẻ cách cầm bút, ngồi đúng tư thế hay những nét viết cơ bản, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Huân, Trường Tiểu học Long Mai (Minh Long), còn lồng ghép dạy trẻ những bài hát để thay đổi không khí, tạo sự hứng thú cho trẻ. Lúc đầu, các em chưa biết cầm phấn, chưa thuần thục tiếng Việt nên giáo viên gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, giáo viên tập trung giúp các em giao tiếp tốt bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Học sinh được cô giáo cho nghe 20 chủ đề về trường học, gia đình, môi trường xung quanh... “Việc tăng cường tiếng Việt cho HS trước khi vào lớp 1 giúp các em làm quen môi trường học tập mới. Nhờ vậy, các em học tốt, đảm bảo theo khung kế hoạch thời gian năm học, chất lượng GD&ĐT được cải thiện đáng kể”, cô Huân bày tỏ.

Học sinh chuẩn bị vào lớp 1, Trường Tiểu học Long Mai (Minh Long) trong giờ học tăng cường tiếng Việt.
Học sinh chuẩn bị vào lớp 1, Trường Tiểu học Long Mai (Minh Long) trong giờ học tăng cường tiếng Việt.

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Long Mai có 52 HS lớp 1; trong đó, phần lớn là HS người DTTS. Theo kế hoạch của UBND huyện Minh Long, thời gian tăng cường tiếng Việt cho HS được thực hiện trong 4 tuần nghỉ hè. Tuy nhiên, nhà trường tổ chức 8 tuần dạy thực tế để đảm bảo chất lượng giáo dục. Bởi vì, phần lớn phụ huynh đi làm ăn xa, gặp khó khăn trong việc hướng dẫn con em học tập.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Mai Nguyễn Diên Vị cho biết, ngoài 4 tuần dạy tăng cường tiếng Việt theo kế hoạch của UBND huyện, nhà trường còn vận động giáo viên chủ nhiệm dạy thêm 4 tuần để đảm bảo chất lượng tốt hơn. Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và HS tiểu học vùng DTTS, giai đoạn 2021 - 2025” rất cần thiết đối với các huyện miền núi. Qua các lớp tăng cường, giáo viên giúp HS rèn luyện 4 kỹ năng quan trọng: Nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt. Từ đó, giúp các em làm quen với phương pháp giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Thực hiện Thông tư số 23/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1, các địa phương có học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Mục tiêu là tổ chức, quản lý, hướng dẫn hoạt động dạy và học tiếng Việt cho trẻ. Giáo viên giúp trẻ chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập; hình thành một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ em là người DTTS. Đồng thời, xác định được những nội dung cần phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người DTTS trước khi vào lớp 1. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:08, 05/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.