Con bị điểm thấp

09:01, 13/06/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi con bị điểm thấp, nhiều phụ huynh bối rối, lo lắng, thậm chí có người còn la mắng, đánh đập con... 
 
Sốc vì con thi điểm thấp

Những ngày gần đây, mọi người trong xóm thấy chị N.H.L, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) cứ buồn rầu. Qua một hồi trò chuyện, mọi người mới biết chị L buồn là do con gái học lớp 4 thi môn tiếng Anh chỉ được 6 điểm, trong khi con chị là lớp phó học tập của lớp. Kỳ vọng và áp lực quá lớn mà chị đặt lên con khiến chị bị sốc khi con chỉ đạt 6 điểm. 
 
Hãy động viên, khích lệ tinh thần học tập của con, thay vì la mắng khi con
bị điểm thấp (ảnh minh họa).
Hãy động viên, khích lệ tinh thần học tập của con, thay vì la mắng khi con bị điểm thấp (ảnh minh họa).

“Trước khi có điểm thi, nhóm phụ huynh thường nói con tôi thế nào cũng đạt điểm cao. Thế mà, điểm thi các môn Toán và Tiếng Việt đều đạt 9, 10, còn môn tiếng Anh chỉ có 6”, chị L kể. Sau khi hỏi con về lý do điểm 6, chị gọi điện cho cô giáo để biết thêm nguyên nhân. Cô giáo giải thích cặn kẽ về bài làm, các câu sai đúng của con. Chị L không ngừng trách con học tệ, điểm thấp như vậy không được nhận giấy khen, phần thưởng. Chồng chị đang đi làm xa, gọi điện về an ủi và khuyên chị đừng la mắng con. Còn con gái chị thì ánh mắt buồn hiu, chỉ ngồi phía xa nhìn mẹ.

Còn chị N.N.Q, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho con học thêm hết chỗ này đến chỗ khác, nhưng lần nào điểm thi của con cũng chỉ trên mức trung bình. Cô giáo cũng nhiều lần chia sẻ với phụ huynh rằng con không chịu khó học bài trên lớp và không làm bài tập về nhà. Chị Q phải dọa nạt thường xuyên thì cậu con trai mới chịu làm bài tập. Năm học vừa qua, con chị Q học lớp 5, chị thường xuyên kèm cặp, động viên, khuyến khích, điểm thi các môn học của con từ 8 đến 8,5 điểm. So với nhiều bạn, chị vẫn cảm thấy chưa hài lòng, vì con chưa đạt điểm 9, điểm 10. 

Lắng nghe con trẻ

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, học sinh bị điểm thấp do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như năng lực, hoặc con chưa có phương pháp học phù hợp. Đôi khi cũng có thể do sơ suất trong khi làm bài thi, dẫn đến điểm số của con không như mong đợi của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ đừng lấy số điểm của con ra để la mắng, hoặc so sánh con với bạn bè. Bởi khi bị điểm thấp, con chính là người buồn đầu tiên. Phụ huynh hãy động viên, giúp con xoa dịu nỗi buồn. Lúc này, phụ huynh đừng nhắc tới điểm số, mà hãy tìm hiểu con hổng kiến thức chỗ nào để giúp con bồi đắp kiến thức. Phụ huynh cũng đừng đặt quá nhiều kỳ vọng, áp lực lớn lên vai con, hoặc sĩ diện với người thân, bạn bè về kết quả học tập của con.

Thực tế, không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể học tốt tất cả các môn. Có thể có trẻ học tốt môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, có trẻ lại thiên về môn Âm nhạc, Vẽ, hoặc yêu thích các môn thể thao. Thậm chí ngay cả khi con không học giỏi, nhưng con là đứa trẻ sống tình cảm, biết quan tâm đến người khác, thì đó cũng chính là ưu điểm của trẻ. Điều quan trọng là, phụ huynh cần phát hiện, định hướng thế mạnh của con, dùng ưu điểm của con để khen ngợi, động viên con, từ đó con có động lực để cố gắng hơn.

Ngoài nguyên tắc giáo dục dùng ưu điểm để khắc phục nhược điểm, phụ huynh có thể áp dụng nguyên tắc cá biệt, nghĩa là mỗi đứa trẻ là một phiên bản đặc biệt, không giống với ai ngay cả với anh chị em sinh đôi. Do đó, cha mẹ đừng so sánh con với ai khác mà chỉ nên so sánh kết quả của con với chính bản thân con hôm qua, hoặc năm học trước. Nhưng dù con có thế mạnh, khả năng ở lĩnh vực nào, con phải hiểu rằng, việc học vẫn là cơ bản, quan trọng, là nền tảng cho tương lai.

HUỲNH THẢO

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:01, 13/06/2024

Ý kiến bạn đọc


.