(Báo Quảng Ngãi)- Ngành GD&ĐT và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phân luồng học sinh (HS), tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tập thể thầy và trò Trường THCS Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) trong giờ chào cờ đầu tuần. Ảnh: T.P |
Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) Nguyễn Thanh Nam cho biết, hằng năm, trường đều có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp cho HS. Cuối học kỳ II, trường đưa HS đi tham quan thực tế tại các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng về trường để tư vấn định hướng nghề nghiệp cho HS.
Ngoài ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm vai trò tư vấn nghề nghiệp và giáo dục hướng nghiệp cho HS. Cô giáo Đoàn Thị Huệ, chủ nhiệm lớp 9A5, Trường THCS Nghĩa Hiệp chia sẻ, trong quá trình giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình của lớp. Tùy từng đối tượng HS, giáo viên có định hướng cho các em vào các trường THPT trên địa bàn huyện hay vào trường nghề hoặc tham gia các chương trình đào tạo khác.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” xác định mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Thời gian qua, với việc đa dạng hóa nội dung, đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của HS và gia đình HS về phân luồng HS trong giáo dục phổ thông theo hướng mở, công tác phân luồng HS sau THCS có những chuyển biến tích cực. Song, các địa phương vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ phân luồng theo quy định.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 99,55% HS tốt nghiệp THCS, trong đó, tỷ lệ HS vào học THPT trường công lập là 74,7%; tỷ lệ HS vào học trường tư thục chiếm 3,5%; tỷ lệ HS vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên chiếm 9,91%; tỷ lệ HS đi học nghề và học khác chiếm 11,89%. |
Hiệu trưởng Trường THCS Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) Phạm Minh Tuấn cho rằng, mặc dù có các văn bản chỉ đạo, tuy nhiên thực tiễn vận dụng vào các trường phổ thông, nhất là cấp THCS chưa đảm bảo phân luồng HS. Các bộ môn hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong trường THCS còn dạy thiên về lý thuyết, nên phần lớn HS tốt nghiệp THCS chọn hướng học lên THPT.
Rào cản lớn nhất hiện nay là hầu hết phụ huynh đều muốn cho con mình học lên THPT thay vì rẽ hướng sang học nghề. Theo ông Nguyễn Thanh Nam, mặc dù nhà trường đã tăng cường giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho HS, nhưng hầu hết các em có xu hướng thi vào lớp 10. Trường hợp không đỗ vào lớp 10, các phụ huynh, HS mới nghĩ đến các chương trình giáo dục khác. Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nghĩa Hiệp có trên 90% HS đỗ vào lớp 10.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Tâm cho rằng, chủ trương phân luồng HS là yêu cầu tất yếu trong xu thế chung khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trong đó, cấp tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp THPT. Song, phần lớn phụ huynh muốn con học lên THPT. Bên cạnh đó, hệ thống trường nghề chưa đảm bảo về chất lượng và quy mô. Toàn quốc chưa có cơ quan nào dự báo về sự phát triển ngành nghề trong xã hội để HS nắm bắt nhu cầu việc làm của xã hội. Hầu hết người dân, cán bộ mong muốn con mình vào đại học dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện chủ trương này.
"Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho HS THCS, nhất là HS lớp 8, lớp 9 để phụ huynh, HS từng bước thay đổi nhận thức về học nghề. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo các trường nghề nâng chuẩn trình độ đào tạo và tăng cường định hướng nghề nghiệp cho HS; đồng thời có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực tại các khu công nghiệp nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho HS sau khi ra trường", ông Tâm cho biết.
TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: