Tháo gỡ khó khăn trong dạy học môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở

08:22, 11/12/2023
.

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn toàn quốc về việc tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đến 63 tỉnh, thành phố.

Tập huấn trực tuyến toàn quốc về việc tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Tập huấn trực tuyến toàn quốc về việc tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn toàn quốc về việc tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp theo hình thức kết nối trực tuyến từ điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đến tất cả các điểm cầu địa phương.

Buổi tập huấn có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng 80 nghìn thầy giáo, cô giáo dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại các nhà trường trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Hội nghị được tổ chức để cùng nhau nghiên cứu, nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong thời gian qua các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp.

Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở bậc trung học cơ sở. Qua báo cáo của các tỉnh, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy tốt như Hà Nội, Nam Định, Lào Cai... Trong ba năm qua, mặc dù còn khó khăn, vướng mắc nhưng các địa phương vẫn hoàn thành năm học. Trong báo cáo đánh giá của đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội được đánh giá quá trình tổ chức dạy học nói chung theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như môn tích hợp cơ bản đạt được những kết quả rất quan trọng, đáp ứng cơ bản mục tiêu chương trình đề ra.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đổi mới giáo dục nói chung cũng như việc tổ chức môn môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp diễn ra trên phạm vi quy mô toàn quốc, đối tượng, số lượng trường học rất lớn. Hiện nay, cả nước có khoảng 11.353 trường trung học cơ sở với gần 80 nghìn giáo viên trung học cơ sở dạy các bộ môn này.

Đây là nội dung mới, khó khi trước đây là từng môn riêng lẻ nhưng giờ tích hợp thành môn môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Với điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, về công tác tổ chức dạy học nên không thể tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn, lúng túng do chủ quan và khách quan.

Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều buổi tập huấn, nhiều văn bản hướng dẫn để từng bước tổ chức tốt hoạt động dạy học này. So với năm học trước, năm học 2023-2024 nhiều vướng mắc, khó khăn tại các địa phương trong quá trình triển khai đã giảm đi rất nhiều nhưng vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Vì vậy, hội nghị được tổ chức để tiếp tục nâng cao, xác định rõ những khó khăn, thuận lợi, những vướng mắc, trao đổi, thảo luận để cùng thống nhất hình thức tổ chức thực hiện. "Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn giáo viên trực tiếp dạy bộ môn này lắng nghe kỹ quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiểu rõ văn bản đã được ban hành", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo về tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết: Thời lượng ba môn Vật lý, Hoá học, Sinh học trong chương trình 2006 là 595 tiết. Còn ở chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thời lượng môn Khoa học tự nhiên là là 560 tiết, giảm 35 tiết so với chương trình 2006. Tỷ lệ thời lượng giữa các lĩnh vực có dao động chút ít so với chương trình 2006 và không ảnh hưởng lớn đến cơ cấu giáo viên.

Thời gian tới, đối với môn Khoa học tự nhiên, các nhà trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp năng lực chuyên môn với nội dung dạy học được phân công. Đồng thời, khuyến khích phân công giáo viên đã được bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận việc dạy học hai mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học nhưng phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn và sự tự tin sẵn sàng của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Tại buổi tập huấn, một số địa phương cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp như: thiếu giáo viên và giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy; khó khăn trong tổ chức thực hiện; kiểm tra, đánh giá; thiếu cơ sở vật chất và thiết bị thí nghiệm; khó khăn về kinh phí triển khai.

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo, những người trực tiếp thực hiện giảng dạy các môn học và hoạt động giáo dục tại nhà trường, đã vượt qua những khó khăn, vất vả, lúng túng để triển khai. Trong suốt ba năm qua, chính các thầy giáo, cô giáo là người gặp những khó khăn ngay từ đầu khi triển khai cũng như đã nỗ lực rất nhiều để tháo gỡ và hướng đến lợi ích cuối cùng dành cho học sinh

Để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin triển khai tại các địa phương. “Nơi nào khó khăn thì phải tháo gỡ, nơi nào làm tốt thì phải nhân rộng, nơi nào chểnh mảng cần có văn bản xử lý kịp thời để mang lại hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường và rõ nét hơn nữa về chức năng, công tác quản lý hành chính của cơ quan Bộ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu các chuyên đề để tổ chức tập huấn. Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình liên tục, gắn với mục tiêu trước mắt và lâu dài, mang tầm chiến lược với phương châm tập trung cao độ nhất cho đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là hệ thống hóa lại các văn bản để có tính thống nhất trong quá trình thực hiện.

Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của cán bộ quản lý là hết sức quan trọng. Đối với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nếu cán bộ quản lý tìm hiểu sâu sát văn bản, yêu cầu của chương trình thì những khó khăn vướng mắc sẽ giảm đi rất nhiều. Cán bộ quản lý cũng cần chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, rõ thực trạng, giải pháp để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản chỉ đạo triển khai từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng bảo đảm khoa học, hợp lý, bám sát chương trình, yêu cầu của Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên. Cần có những hình thức khen thưởng đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục.

Theo QUỲNH NGUYỄN/Nhandan.vn


 

Xuất bản lúc: 08:22, 11/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.