Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

15:56, 23/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng mới thêm 78 điều. Trong đó, chính sách đất đai liên quan đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có rất nhiều điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013.

Nhiều điểm mới

Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào  DTTS (Điều 27) gồm: Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

Còn Luật Đất đai năm 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước: Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đồng thời quy định, có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, để bảo đảm ổn định cuộc sống như: Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất (SDĐ).

Cho phép chuyển mục đích SDĐ sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền SDĐ đối với đất có nguồn gốc được nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền SDĐ theo quy định của pháp luật. Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền SDĐ. Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất...

Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong ảnh: Người dân xã Sơn Long (Sơn Tây) chăm sóc vườn cây ăn quả. 		                                            Ảnh: PV
Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong ảnh: Người dân xã Sơn Long (Sơn Tây) chăm sóc vườn cây ăn quả. Ảnh: PV

Luật Đất đai năm 2024 cũng quy định cụ thể từng trường hợp được hỗ trợ về đất ở, sản xuất đối với đồng bào DTTS thiếu đất, không có đất. Như có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người DTTS đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Khoản 2, Điều 16 nhưng nay không còn đất, hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tạo thuận lợi phát triển kinh tế gia đình

Theo Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người DTTS đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng sau đó không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức. Đây cũng là sự kỳ vọng của đồng bào DTTS, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, đồng bào DTTS nếu được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 chỉ được thực hiện quyền để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền SDĐ cho người thuộc hàng thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trường hợp người SDĐ chết mà không có người thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Khoản 2, Điều 16 của Luật Đất đai năm 2024 thì đất đó được Nhà nước thu hồi và bồi thường tài sản gắn liền với đất cho người được hưởng thừa kế.

Trường hợp người SDĐ chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống, hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng quyền SDĐ cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024, thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi. Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người DTTS theo chính sách quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024.

Toàn tỉnh có 61 xã thuộc 5 huyện miền núi là Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và 3 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dân số toàn vùng hơn 230 nghìn người, với 29 dân tộc anh em cùng chung sống. Hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh còn khá cao (năm 2023 là 35,64%), trong đó có nhiều nguyên nhân như khó khăn về chỗ ở, đất ở và đất sản xuất. Chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS theo Luật Đất đai năm 2024 sẽ tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trong tỉnh phát triển, vươn lên thoát nghèo.

PV

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 15:56, 23/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.