(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh ta đã triển khai xây dựng hàng trăm công trình phục vụ dân sinh, hỗ trợ tạo việc làm, cải thiện cuộc sống người dân.
Tăng tốc giải ngân
Năm 2022, huyện Minh Long đã đầu tư xây dựng 11 công trình phục vụ dân sinh, hiện đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Đây là những công trình từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1 đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN, thuộc dự án 4 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình). Từ nguồn vốn chương trình, năm 2023 huyện Minh Long có 10 công trình khởi công mới; trong đó có 7 công trình đường giao thông, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng, 1 nghĩa trang nhân dân và 1 công trình nâng cấp kênh mương. Đến nay, huyện Minh Long đã giải ngân hơn 90% tổng kế hoạch vốn trong năm 2023, trong đó vốn năm 2023 xấp xỉ 20,5 tỷ đồng và vốn các năm trước chuyển sang khoảng 1,2 tỷ đồng.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Mai Lãnh Hữu, xã Long Mai (Minh Long) được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Đối với nguồn vốn của Tiểu dự án 3 (thuộc dự án 5) về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS&MN, đến nay, huyện đã giải ngân xong nguồn vốn hoạt động truyền thông về chính sách giáo dục nghề nghiệp, việc làm, đi làm việc ở nước ngoài cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm từ nguồn vốn chương trình, thu hút sự tham gia của hơn 400 lao động địa phương.
Trong năm 2023, huyện Minh Long đã giải quyết việc làm và duy trì mở rộng việc làm cho khoảng 615 lao động. Trong đó có 410 lao động tham gia làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh, 5 lao động xuất khẩu lao động, 200 lao động được giải quyết việc làm từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm.
Còn tại huyện Sơn Hà, thực hiện dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã phê duyệt, xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gần 1.180 hộ nghèo. Riêng năm 2023, huyện đã phân bổ kinh phí trên 8,8 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho gần 200 hộ nghèo trên địa bàn.
Trong ngôi nhà đang dần hoàn thiện, chị Đinh Thị Mỳ, ở xã Sơn Giang (Sơn Hà) chia sẻ, trước đây, gia đình chị sống trong ngôi nhà cũ tạm bợ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn, nên việc xây dựng được ngôi nhà mới là điều vượt quá khả năng của gia đình. Vì vậy, khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở từ nguồn vốn chương trình, không chỉ tạo điều kiện cho gia đình chị được an cư, mà còn tạo động lực để chị phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đặt mục tiêu, nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 4 - 4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỉnh phấn đấu 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, 50% lao động trong độ tuổi là người DTTS, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề. Để đạt mục tiêu trên, dự kiến tổng số vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh trên 3.565 tỷ đồng.
Công trình cầu bắc qua suối Bà Dui, thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ) đang được thi công. |
Giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn sự nghiệp đạt rất thấp: Năm 2022 đạt 37,28%; năm 2023 chỉ đạt 1,76% so với tổng kế hoạch vốn. Nguyên nhân, mặc dù nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện nội dung đào tạo nghề lớn, nhưng nhu cầu đào tạo nghề rất thấp và đăng ký nhỏ, lẻ ở các ngành nghề, gây khó khăn cho việc hợp đồng với cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp; việc triển khai, ban hành các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành chậm, chưa đồng bộ... |
Từ năm 2022 đến hết tháng 11/2023, Quảng Ngãi đã giải ngân gần 462/1.081 tỷ đồng, đạt 42,72% tổng kế hoạch vốn chương trình đã phân bổ. Trong đó, thực hiện Tiểu dự án 1 của dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN, các địa phương đã thực hiện xây mới, nâng cấp 236 công trình. Đến nay, các công trình khởi công năm 2022 hầu hết đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với các công trình năm 2023, đã thi công và hoàn thành đạt khoảng 80% khối lượng. Có 12 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết cũng đã được thực hiện. Đến nay, các huyện miền núi, vùng đồng bào DTTS đang thi công 7 dự án, 5 dự án đang được hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Các địa phương cũng tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng cao; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 213 hộ đồng bào Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ; bố trí nguồn vốn vay 2,4 tỷ đồng cho gần 40 hộ dân tại 2 huyện Sơn Hà, Ba Tơ vay sản xuất, phát triển kinh tế.
Nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân, nội dung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp miền núi để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị cũng được tỉnh chú trọng thực hiện. Năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ bảo vệ rừng cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hơn 61 nghìn héc ta. Năm 2023, giao khoán bảo vệ rừng 42 nghìn héc ta trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng và Minh Long.
Bài, ảnh: XUÂN HIẾU - Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: