(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, xây dựng và phát triển con người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng ta đặc biệt quan tâm.
Nghị quyết 33 của Đảng thể hiện tầm cao về tư duy văn hóa, được xây dựng công phu, được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Trong các quan điểm, nhiệm vụ của nghị quyết, nội dung xây dựng và phát triển con người được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm thứ ba: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp…”. Trong 6 nhiệm vụ của nghị quyết, nhiệm vụ đầu tiên chính là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà (Trà Bồng) luôn chú trọng giáo dục giá trị văn hóa truyền thống trong học sinh. Ảnh: T.NHỊ |
Các cơ quan nhà nước đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo Nghị quyết 33. Cụ thể, theo tổng kết của Bộ VH-TT&DL, đã ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, gồm: 1 nghị quyết; 7 luật, 74 nghị định của Chính phủ, 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 149 thông tư và thông tư liên tịch trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Điều đó đã có tác động sâu rộng trong toàn xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ đúc kết và xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức thực hiện Chương trình KH&CN cấp bộ “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới”. Năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VH-TT&DL, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo đã tập trung làm rõ các nội dung, đã xác định nội hàm cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, hội thảo đã đề xuất những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, trí thức và quần chúng nhân dân thực hiện giữ gìn, phát huy các hệ giá trị đó.
Vấn đề nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc con người Việt Nam cũng được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Cụ thể, đã triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 gắn với cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, đồng thời lồng ghép với việc thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030... Nhờ đó, phong trào tập luyện TD - TT trong toàn dân ngày càng tăng. Đến năm 2024, số người thường xuyên tập luyện TD - TT trên cả nước đạt 36,7%, tăng 9,4% so với năm 2014; số gia đình thể thao đạt 27,7%, tăng 8,7% so với năm 2014; số trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%; số trường thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa đạt 75%. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam đã được cải thiện chiều cao (chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay là 164cm ở nam và 153cm ở nữ), giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, tuổi thọ được nâng lên...
Việc xây dựng và phát triển con người gắn với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Đảng và Nhà nước coi gia đình là nơi gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa của một dân tộc, là môi trường giáo dục nhân cách tốt nhất. Vì vậy, chủ đề thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam được xác định là: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Trên cơ sở đó, các cơ quan lĩnh vực văn hóa từ trung ương đến địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về xây dựng gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống với ngày Quốc tế hạnh phúc, ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình... Chủ đề và các thông điệp truyền thông luôn nhấn mạnh các giá trị của gia đình trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức của mỗi người...
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đang có ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, lối sống của nhiều người. Sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là việc lợi dụng internet gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, mất niềm tin ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây nhiều khó khăn cho công tác xây dựng và phát triển con người Việt Nam...
Vì vậy, trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 33, Đảng và Nhà nước tiếp tục xác định trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện cần phải được chú trọng hơn. Sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa, hướng đến chân- thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Xây dựng con người Việt Nam thấm nhuần giá trị văn hóa tốt đẹp, gắn xây dựng con người với việc phát huy giá trị gia đình, quốc gia - dân tộc.
VŨ ĐÌNH ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: