Giám sát, phản biện xã hội góp xây dựng Đảng, chính quyền 

14:39, 12/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo quy định tại Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Qua đó, kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Phát huy dân chủ một cách thực chất

Nhận thức đúng tầm quan trọng và vai trò của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, vì thế trong những năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi luôn coi trọng quyền giám sát và phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt vai trò chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội... Đồng thời, phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ủy viên ủy ban MTTQ Việt Nam, đội ngũ trí thức, khoa học trong các lĩnh vực để thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Qua đó,  giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị ở các địa phương.

Thành viên Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Bình Long (Bình Sơn) kiểm tra công trình tuyến mương vùng 3, 
thôn Long Mỹ.
 Ảnh: TL
Thành viên Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xã Bình Long (Bình Sơn) kiểm tra công trình tuyến mương vùng 3, thôn Long Mỹ. Ảnh: TL

Trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng phát huy dân chủ một cách thực chất, đó là Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp. Thông qua các buổi đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các địa phương với cử tri đã góp phần tạo môi trường dân chủ, cởi mở, kết hợp đối thoại với nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia... Thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại, các cấp ủy, chính quyền, người có trách nhiệm, thẩm quyền đã trực tiếp trả lời, tiếp thu và giải quyết những vấn đề liên quan đến từng tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng nhân dân.

Bên cạnh đó, tại nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị đã công khai đặt “Hòm thư góp ý” để người dân thực hiện quyền giám sát, góp ý của mình đối với người đứng đầu, cán bộ, đảng viên về thực hiện quy định nêu gương, bước đầu đã đạt được một số kết quả, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của quần chúng nhân dân. Từ đó, đã có tác dụng ngăn chặn, phòng ngừa những vi phạm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua triển khai bước đầu đã tạo nên sự quan tâm của người dân trong theo dõi, nhận xét, phản ánh những biểu hiện không lành mạnh trong đạo đức, lối sống, thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước liên quan đến trách nhiệm của các cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bằng nhiều hình thức như phản ánh trực tiếp với người đứng đầu hoặc thông qua các cuộc họp, hội nghị, một số vụ, việc người dân đã gửi thư phản ánh hoặc đề nghị bằng văn bản... đã có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Qua thông tin, phản ánh đã giúp cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tự thấy, tự sửa và nâng cao thái độ, ý thức phục vụ người dân. Đồng thời, một bộ phận nhân dân đã hiểu được quyền giám sát của mình nên chủ động phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, đảng viên trên địa bàn. Đây là sự thay đổi quan trọng, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng như chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm công vụ của công chức.

Những kết quả đạt được cho thấy thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội đã dần được người dân quan tâm thực hiện, góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng phản biện xã hội, khuyến khích người dân tích cực tham gia phản biện xã hội trên tinh thần xây dựng, ý thức trách nhiệm, góp phần chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp để hoàn thiện các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phục vụ thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Hiện nay, bên cạnh những đóng góp tích cực, có tính xây dựng của các tầng lớp nhân dân, cũng đã xuất hiện một số đối tượng lợi dụng phản biện xã hội, quyền tự do dân chủ để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm chống phá Đảng và chế độ. Các đối tượng nhân danh phản biện để phản bác, chống đối các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiến tới đề nghị xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Các đối tượng thường lợi dụng các thời điểm quan trọng của đất nước, của tỉnh như trước các kỳ đại hội đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Khi Quốc hội, Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, chương trình, đề án... lấy danh nghĩa phản biện xã hội họ tiến hành các hoạt động đăng bài lên mạng xã hội với những ý kiến góp ý phiến diện, kích động, thiếu tính xây dựng. Vì thế, chúng ta cần hết sức tỉnh táo để phân biệt, nhận diện rõ, không để kẻ xấu lợi dụng thông qua việc phản biện xã hội để làm phương hại đến an ninh chính trị ở địa phương, dẫn đến vô tình vi phạm pháp luật.

Hiện nay, các cấp ủy đảng đang chuẩn bị công tác đại hội đảng bộ, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu, hành động chống phá. Do vậy, mỗi người dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần tỉnh táo, thận trọng, trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết, có chủ kiến khi tiếp cận các vấn đề phản biện; đồng thời, nhận diện chính xác âm mưu, thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để gây nhiễu thông tin, chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động.

Để giúp người dân làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, tránh không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội của mình, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chú trọng quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao trình độ dân trí, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm công dân. Đồng thời, giúp người dân có nhận thức đầy đủ về nguyên tắc, nội dung, hình thức, phương pháp giám sát và phản biện xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ việc phản biện xã hội có tính xây dựng, đóng góp tâm huyết trực tiếp, hoặc gián tiếp cho việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, đất nước, cũng như công tác xây dựng Đảng và chính quyền sẽ được trân trọng, ghi nhận, tiếp thu. Cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phân biệt rõ giữa xây dựng và phá hoại, bởi nếu không tỉnh táo nhận diện, có thể sẽ bị dẫn dắt theo định hướng, nhận thức xuyên tạc, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Kịp thời cung cấp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những thông tin chính thống nhằm định hướng dư luận xã hội, giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Thông qua các buổi sinh hoạt khu dân cư, sinh hoạt chi bộ... tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trách nhiệm và vai trò công dân trong công tác phản biện xã hội để có nhận thức đúng và nâng cao nhận thức chính trị, cảnh giác, tỉnh táo trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội.

 ĐẠI NGHĨA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:39, 12/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.